Liên kết website :











[ Đăng ngày: 17/11/2022 ]

TTĐT - Sáng 16-11, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Minh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Phiên họp lần thứ 24 thông qua tình hình kinh tế-xã hội năm 2022.

Tham dự có ông Mai Hùng Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Nguyễn Lộc Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo HĐND tỉnh, các Ủy viên UBND tỉnh. Cuộc họp được trực tuyến đến 09 huyện, thị xã, thành phố.

GRDP ước tăng 8,29%

Báo cáo của UBND tỉnh năm 2022 cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức khó lường nhưng với tinh thần chủ động quyết liệt, kịp thời của Đảng bộ, chính quyền, cùng nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nên kinh tế - xã hội của tỉnh đã phục hồi và đạt nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế có sự chuyển biến rõ nét qua từng tháng, từng quý, đời sống người dân, thu nhập người lao động được cải thiện; tình hình kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Kết quả đã đạt và vượt 30/34 chỉ tiêu kế hoạch năm 2022.

Thương mại và dịch vụ phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. Hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí sôi động trở lại; nguồn cung hàng hóa dồi dào tại các siêu thị và chợ truyền thống, đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân; Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát.

 

Toàn cảnh cuộc họp 

Cụ thể, Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 8,29% (đạt kế hoạch 8-8,3%); GRDP bình quân đầu người đạt kế hoạch (169,8 triệu đồng); cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng là 67,63% - 22,23% - 2,69% - 7,45% (đạt kế hoạch).

Sản xuất công nghiệp giữ mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo đã cơ bản nối lại được các chuỗi cung ứng; Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 8,9% so với năm trước (đạt kế hoạch tăng 8,9%). Duy trì tỷ lệ hộ sử dụng điện trên toàn tỉnh đạt 99,99% (đạt kế hoạch 99,99%).

 

 Bình Dương triển khai nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19,
 Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 ước tăng 8,9%

Về thương mại - dịch vụ, tỉnh đã thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa, không xảy ra tình trạng khan hiếm, sốt giá; tình hình cung ứng xăng dầu có thời điểm xảy ra hiện tượng thiếu cục bộ nhưng đã được chỉ đạo giải quyết kịp thời. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 269.440 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm trước (đạt kế hoạch tăng 16%).

Kim ngạch xuất khẩu đạt 35,7 tỷ đô la Mỹ, tăng 9% so với năm 2021 (kế hoạch tăng 14,5%); kim ngạch nhập khẩu đạt 25,8 tỷ đô la Mỹ, tăng 1% (kế hoạch tăng 17%).

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 154.473 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2021 (kế hoạch tăng 10%). Dự kiến giải ngân đầu tư công cả năm 2022 đạt trên 95% kế hoạch.

Đầu tư trong nước đã thu hút 77.986 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh. Lũy kế, toàn tỉnh có 59.105 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn 608.000 tỷ đồng. Đầu tư nước ngoài đã thu hút 2 tỷ 841 triệu đô la Mỹ. Lũy kế, toàn tỉnh có 4.076 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn 39,67 tỷ đô la Mỹ.

Nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng đã được khởi động và gấp rút thi công như: Khu công nghiệp VSIP III, nhà ở xã hội, cầu Bạch Đằng 2, mở rộng Quốc lộ 13; đồng thời khẩn trương triển khai thủ tục đầu tư các dự án giao thông nội tỉnh, liên vùng.

Đề án Thành phố thông minh Bình Dương tiếp tục khẳng định chiến lược, tầm nhìn và tiếp tục được ICF vinh danh TOP 7. Công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số được quan tâm, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được triển khai tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Xác định mục tiêu phát triển cho năm 2023

UBND tỉnh xác định 34 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 với 11 giải pháp trọng tâm. Trong đó, GRDP tăng 8,5-8,7% so với năm 2022. Trước hết tập trung nguồn lực đẩy mạnh các biện pháp bảo đảm ổn định các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát.

Đồng thời cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế. Bình Dương xác định công nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế chủ lực và giữ vai trò thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế; phấn đấu Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2023 tăng 8,9% so với cùng kỳ. Phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số. Xây dựng và ban hành danh mục các ngành nghề, dự án kêu gọi thu hút đầu tư. Nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo thị trường. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu Ấn Độ, Nam Mỹ...

 

Đại biểu thảo luận tại Phiên họp 

Dự báo năm 2023, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có những khó khăn thách thức, các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu tiếp tục được Bình Dương ưu tiên thực hiện. Đặc biệt triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ; tổ chức đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.

Chú trọng đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên nguồn lực thích hợp cho các lĩnh vực như giao thông, chỉnh trang đô thị, cấp thoát nước công cộng, giáo dục, y tế. Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 157.482 tỷ đồng, bằng 31% GRDP của tỉnh năm 2023. Hoàn thành và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhiều hoạt động được triển khai đồng bộ trên lĩnh vực an sinh xã hội. Trong đó chú trọng công tác giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm. Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng; khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. Đẩy nhanh tiến độ đưa vào sử dụng Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường, đầu tư xây dựng bệnh viện tuyến cuối 2.000 giường. Phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế đạt trên 92%, có 7,55 bác sĩ/vạn dân và 20,4 giường bệnh/vạn dân...

Nhằm đảm bảo thực hiện thành công các chỉ tiêu năm 2023, các sở ngành địa phương phân tích, làm rõ và đề xuất xoay quanh một số nội dung như: Tình hình thu, chi ngân sách năm 2022 và dự toán ngân sách 2023; những thuận lợi thách thức trong năm 2023; tình hình xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp và cung ứng xăng dầu; tiến độ triển khai thủ tục, phương án đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm… 

 

 Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh phát biểu kết luận Phiên họp

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh thống nhất cao với các nội dung về phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm năm 2023 cũng như các ý kiến thảo luận của sở ngành, địa phương. Đồng thời, yêu cầu trong thời gian còn lại của năm 2022, các đơn vị tập trung hoàn thành những nội dung quan trọng: Thống nhất giá đền bù, thống kê dữ liệu hộ tịch, lấy Tân Uyên làm đơn vị triển khai thí điểm; chuẩn bị công tác giao quân; chuẩn bị nguồn vốn đấu giá đất cho năm 2023. Góp ý cho 15 dự thảo Tờ trình Nghị quyết, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung hoàn thiện văn bản theo ý kiến góp ý của đại biểu để kịp trình HĐND tỉnh trong Kỳ họp thường lệ cuối năm 2022.

Trước tình hình 250.000 lao động mất việc ngắn hạn; Chủ tịch UBND yêu cầu các ngành chức năng nhanh chóng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và ổn định đời sống cho người lao động. Đồng thời tập trung tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư; đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải tỏa các dự án, chú trọng công tác cải cách hành chính...

16/11/2022 | Yến Nhi



Nguồn trích: binhduong.gov.vn

CÁC TIN KHÁC