TTĐT - Chiều 31-01, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Đề án 06 “phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 06) và tổng kết công tác chuyển đổi số năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Tham dự có bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các sở ngành, địa phương.
Hoàn thành nhiều nhiệm vụ của Đề án 06
Sau 02 năm triển khai thực hiện Đề án 06, Bình Dương đã đạt nhiều kết quả tích tích cực. Đến ngày 22/5/2023, toàn tỉnh đã cấp Căn cước công dân (CCCD) cho 100% người dân đủ điều kiện, là một trong 19 địa phương đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành nhiệm vụ. Đến giữa tháng 8/2023, tỉnh cũng đã hoàn thành nhiệm vụ kích hoạt tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) theo chỉ tiêu Chính phủ giao hơn 1,2 triệu tài khoản. Đến nay đã kích hoạt hơn 1,6 triệu tài khoản ĐDĐT, đạt tỷ lệ 133% và hiện đang đứng thứ 5 trên toàn quốc. Toàn tỉnh đã cấp được 43.550 chữ ký số. Ở nhóm phục vụ phát triển công dân số, đến nay đã có hơn 250.000 hồ sơ sức khỏe đã được tạo lập.
|
Toàn cảnh hội nghị |
Đối với 25 dịch vụ công (DVC) thiết yếu theo Đề án 06, Bình Dương đã hoàn thành cung cấp 25/25 thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng DVC quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh có 100% cơ sở khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ Bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chíp; 100% cơ sở giáo dục phối hợp với ngân hàng, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán triển khai việc thu học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Tỉnh đang thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho 31.605/45.048 đối tượng người có công (đạt 70%); triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt được 60% tại các Bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế huyện và bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh; kết quả tỷ lệ thanh toán đạt 40,6%.
|
Đại diện Công an tỉnh báo cáo kết quả 02 năm thực hiện Đề án 06 |
Hệ thống Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh đã thực hiện kết nối dữ liệu các Bộ, ngành (Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương) thông qua Trung tâm Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; kết nối dữ liệu 18/19 sở, ban, ngành và 4/6 ngành dọc của tỉnh (Kho bạc Nhà nước, Cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, Cục Hải quan); hình thành 15 nhóm chỉ số điều hành có tần suất ngày, tuần, tháng và 12 nhóm chỉ số thống kê có tần suất từ tháng trở lên.
Về công tác chuyển đổi số, ông Lê Tuấn Anh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2023 tỉnh Bình Dương hoàn thành hai nhiệm vụ lớn được Trung ương giao: Ban hành danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung và danh mục dịch vụ chia sẻ dữ liệu của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, ban hành Danh mục dữ liệu mở tỉnh Bình Dương với 206 bộ dữ liệu mở, đã kết nối với 18/19 CSDL/Hệ thống thông tin Quốc gia được Chính phủ, Bộ ngành chia sẻ qua trục nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Hoàn thành hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh và được xếp hạng 02/63 tỉnh, thành về mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về chất lượng cung cấp DVC trực tuyến, xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố trong kết quả CCHC theo Bộ chỉ số 766. Trong 02 năm liền (2021, 2022), Chỉ số xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của tỉnh Bình Dương xếp hạng cao trong 63 tỉnh, thành phố.
|
Ông Lê Tuấn Anh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo kết quả công tác chuyển đổi số năm 2023 trên địa bàn tỉnh
|
Toàn tỉnh có 8.705 doanh nghiệp công nghệ số. Hoạt động xã hội số tập trung vào công tác hỗ trợ người dân chuyển đổi số. Các Tổ công nghệ số cộng đồng tiếp tục được kiện toàn với 586 tổ, 3.400 thành viên. Hạ tầng thông tin, truyền thông tiếp tục được đầu tư, phát triển đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sóng thông tin di động đã phủ 100% địa bàn; hạ tầng thông tin di động 3G, 4G đã phủ khắp các khu đô thị và khu công nghiệp, với gần 3.666 trạm thu phát sóng di động, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ với chất lượng ngày càng cao.
Hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số tại cơ quan hành chính các cấp được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin, đảm bảo điều kiện kỹ thuật, cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp…
Những mô hình "điểm" mang lại hiệu quả
Tại hội nghị, các sở, ngành, địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, những mô hình điểm trong quá trình triển khai Đề án 06 và thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; mang lại những tiện ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, tạo tiền đề cho Bình Dương hướng đến mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số, xã hội số.
Mô hình "Thí điểm triển khai giải pháp xử phạt giao thông và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một" triển khai trong thời gian ngắn nhưng đã mang lại hiệu quả tích cực. Theo Thượng tá Từ Hải Thọ - Phó trưởng Công an TP.Thủ Dầu Một, mô hình triển khai từ ngày 01/12/2023 đến ngày 21/01/2024 đã phát hiện và gửi thông báo xử phạt 239 trường hợp với số tiền trên 570 triệu đồng. Từ khi triển khai mô hình, ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông của người dân được nâng lên, chấp hành tốt đèn tín hiệu, đi đúng làn đường, đúng tốc độ quy định, không để xảy ra vụ việc tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
|
Thượng tá Từ Hải Thọ - Phó trưởng Công an TP.Thủ Dầu Một chi sẻ kinh nghiệm về Mô hình "Thí điểm triển khai giải pháp xử phạt giao thông và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một" |
Thời gian tới, TP.Thủ Dầu Một tiếp tục bố trí nguồn kinh phí mua sắm, sửa chữa các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ mô hình điểm số 13, thường xuyên kiểm tra hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ, kịp thời bổ sung, lắp đặt biển báo giao thông cho phù hợp, đảm bảo cho người, phương tiện lưu thông an toàn. Đặc biệt, tập trung vào tuyến đường Phạm Ngọc Thạch và đường dẫn vào trung tâm Thành phố mới (đường Hùng Vương), thường xuyên kiểm tra cơ sở hạ tầng tuyến đường mô hình điểm để kịp thời khắc phục, sửa chữa tránh để tình trạng hư hỏng nặng. Tiếp tục duy trì hoạt động, phát triển mô hình điểm đến các tuyến đường và điểm đen tiềm ẩn tai nạn giao thông trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một.
Mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng ra đời ở các địa phương với mục tiêu đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân. Đây được xem là cách làm hiệu quả nhất để thay đổi nhận thức về chuyển đổi số cho mỗi người dân. Thời gian qua, huyện Phú Giáo đã kiện toàn 70 Tổ công nghệ số cộng đồng/70 khu phố, ấp, với 355 thành viên. Ông Đoàn Văn Đồng – Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo cho biết, các thành viên tham gia Tổ được địa phương lựa chọn kỹ lưỡng, là lực lượng nòng cốt của các khu phố, ấp trên địa bàn, có hiểu biết về CNTT nhằm đưa nền tảng số, công nghệ số đến từng gia đình, từng người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến chuyển đổi số; hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số.
|
Ông Đoàn Văn Đồng – Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo trình bày mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng |
Các thành viên trong Tổ có nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến người dân; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống. Đến từng hộ dân, hướng dẫn từng người sử dụng dịch vụ công trực tuyến, chữ ký số cá nhân; cài đặt sổ sức khỏe điện tử, tra cứu Bảo hiểm y tế; hỗ trợ người dân tạo lập tài khoản thanh toán trực tuyến tiền nước, học phí...
Để nâng cao vai trò Tổ Công nghệ số cộng đồng ở địa phương, UBND huyện chỉ đạo mỗi xã, thị trấn chọn 01 hoặc 02 ấp triển khai thành lập điểm tiếp nhận tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống. Tại đây, người dân sẽ được hỗ trợ nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, cài đặt chữ ký số cá nhân và các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt như cài đặt ví điện tử, mở tài khoản ngân hàng, chuyển tiền… hoặc khi người dân có nhu cầu sử dụng, lắp đặt các dịch vụ viễn thông cũng có thể liên hệ để được tư vấn tại các điểm này. Có thể nói, người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh biểu dương các tập thể, cá nhân đã chung tay, góp sức thực hiện hiệu quả Đề án 06 và công tác chuyển đổi số của tỉnh thời gian qua.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành, địa phương tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng số; số hóa các ngành, lĩnh vực gắn với triển khai Đề án 06; xây dựng kho dữ liệu số; ưu tiên khai thác và sử dụng lại dữ liệu. Đồng thời phải khai thác hiệu quả dữ liệu số phục vụ cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với Đề án 06, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục phối hợp với Bộ Công an triển khai "16 mô hình điểm" theo Kế hoạch đã ký kết và triển khai bổ sung thêm "19 mô hình" đảm bảo đạt hiệu quả, thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Phối hợp với Bộ Công an triển khai thí điểm giải pháp chi trả tiền chính sách, hỗ trợ cho các đối tượng an sinh xã hội qua ứng dụng VNeID trên địa bàn tỉnh…
|
|
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc qua 02 năm thực hiện Đề án 06 |
|
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023 |
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 38 tập thể và 90 cá nhân có thành tích xuất sắc qua 02 năm thực hiện Đề án 06 và 14 tập thể, 25 cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023.
Yến Nhi
Nguồn trích: https://www.binhduong.gov.vn