TTĐT - Sáng 28-10, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, Sở Công Thương Bình Dương và Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) Tacoma phối hợp tổ chức Hội nghị giao thương xúc tiến thương mại Hoa Kỳ ngành logistics năm 2022.
Tại điểm cầu Bình Dương, tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; Hiệp hội Logistics tỉnh; các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Tại điểm cầu Hoa Kỳ, tham dự có ông John McCarthy – Giám đốc Điều hành Cảng Tacoma (Hoa Kỳ).
Hội nghị cũng kết nối trực tuyến đến các điểm cầu của hệ thống Hiệp hội WTC và khoảng 100 nhà đầu tư quốc tế, doanh nghiệp tại Hoa Kỳ mong muốn kết nối giao thương ngành Logistics với Bình Dương.
Bình Dương giàu tiềm năng phát triển logistics
Sau 27 năm bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, thương mại song phương giữa hai nước tăng khoảng 250 lần, từ 450 triệu đô la Mỹ năm 1995 lên 112 tỷ đô la Mỹ năm 2021 và trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai đạt mốc 100 tỷ đô la Mỹ.
Năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 96,29 tỷ đô la Mỹ, tăng 24,9% so với năm 2020 mặc dù đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nói chung (chiếm đến 28,6% kim ngạch cả nước) và tỉnh Bình Dương nói riêng. Trong 09 tháng đầu năm 2022, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Bình Dương. Lũy kế 09 tháng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 27 tỷ 059 triệu đô la Mỹ, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 19 tỷ 210 triệu đô la Mỹ, giảm 1,6%; duy trì thặng dư thương mại đạt 7,8 tỷ đô la Mỹ.
Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu đến các thị trường truyền thống như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông,… và thị trường Mỹ vẫn là thị trường nổi bật, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 9,4 tỷ đô la Mỹ.
|
|
|
Toàn cảnh hội nghị
|
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Toàn – Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong những năm qua, Bình Dương đã tận dụng tốt các lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại. Đồng thời, với sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp và thương mại, dịch vụ đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy Bình Dương vươn lên thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp và đô thị.
Với lợi thế là tỉnh công nghiệp phát triển và là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Bình Dương là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, khai thác dịch vụ logistics với hệ thống kho, bãi, phương tiện vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các doanh nghiệp.
Do đó, Bình Dương xác định, tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao; xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại phục vụ cho hoạt động sản xuất và lưu thông, phân phối hàng hóa là yêu cầu tất yếu cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Tăng cường hợp tác kinh doanh, phát triển dịch vụ logistics
Tại hội nghị, các doanh nghiệp Bình Dương và Hoa Kỳ đã trao đổi cơ hội hợp tác kinh doanh phát triển dịch vụlogistics.
Ông Phạm Văn Xô – Chủ tịch Hội Xuất, nhập khẩu Bình Dương nhấn mạnh, mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang chịu tác động tiêu cực bởi tình hình chính trị, kinh tế của toàn cầu, riêng tỉnh Bình Dương đã xây dựng tầm nhìn chiến lược thông qua các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo hướng thực tiễn, chiều sâu; ý thức tạo lòng tin và thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh chuyển biến tích cực; nhiều khu công nghiệp được mở ra với tỷ lệ phủ kín đến trên 90% diện tích thực tế. Bên cạnh đó là xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng của nhiều thương hiệu quốc tế đã đầu tư tại Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á mà Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế.
|
Xuất, nhập khẩu tỉnh Bình Dương đạt nhiều thành quả nổi bật
|
Chia sẻ về việc vận chuyển, lưu thông và xuất, nhập khẩu hàng hóa thông qua các cảng biển đến thị trường Hoa Kỳ, ông John McCarthy – Giám đốc Điều hành Cảng Tacoma (Hoa Kỳ) khẳng định, hàng nhập khẩu từ Việt Nam chắn chắc sẽ tăng mạnh hơn trong thời gian tới khi các nhà đầu tư và doanh nghiệp Hoa Kỳ nhận ra tiềm năng và năng lực sản xuất của Việt Nam. Hơn 70% hàng hóa đóng container quốc tế di chuyển qua Cảng Tacoma được dành cho các khu vực miền Trung và miền Đông của Bắc Mỹ.
Cảng Tacoma xử lý gần như toàn bộ (80%) hàng hóa đường biển đi lại giữa Hoa Kỳ và Bang Alaska. Với một bến cảng nước sâu tự nhiên, các dịch vụ từ hai tuyến đường sắt chính và quỹ đất dồi dào có sẵn để mở rộng, Cảng Tacoma ngày càng hấp dẫn cho thương mại quốc tế.
|
Cảng Tacoma (Hoa Kỳ)
|
Tacoma có một số hãng tàu chuyên tuyến như Cosco, Evergreen (EMC), Maersk line, ONE, Yang Ming,… Bên cạnh đó, với vị trí cảng gần thị trường Đông Á và Đông Nam Á về mặt địa lý, hàng hóa Việt Nam vào Mỹ thông qua Cảng Tacoma sẽ có cơ hội tiếp cận bang Washington, một trong những bang có độ mở thương mại lớn nhất Hoa Kỳ, đứng số 1 tại Hoa Kỳ về xuất khẩu hàng không vũ trụ, sản phẩm gỗ, cà phê, hải sản chế biến sẵn... Lợi thế sẵn có của Tacoma gồm các thiết bị đầu cuối sẵn sàng cho tàu lớn, dịch vụ liên phương thức tại bến và thời gian vận chuyển bằng đường sắt nhanh chóng đến các điểm đến chính trong nội địa Hoa Kỳ, công suất bốc dỡ và lưu kho vượt mức cùng mạng lưới hậu cần mạnh mẽ.
Các đại biểu cũng đã trao đổi các nội dung xoay quanh việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu cũng như các hỗ trợ từ Cảng Tacoma cho các doanh nghiệp SMEs.
Sau hội nghị, các đại biểu đã tham quan thực tế Cảng Bình Dương và Trung tâm kho vận ICD TBS Tân Vạn.
Từ nay đến 2030, Bình Dương ưu tiên thu hút đầu tư và xúc tiến thương mại các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao; dịch vụ tài chính, các ngành công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, tăng cường thu hút đầu tư để phát triển nhanh hệ thống hạ tầng dịch vụ logistics nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao về sản xuất, lưu thông và phân phối hàng hóa là yêu cầu cấp bách cho sự phát triển kinh tế bền vững của Bình Dương trong thời gian tới.
Tỉnh Bình Dương đang quyết tâm phấn đấu trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực; hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài thúc đẩy phân phối đến các tỉnh/thành phố trong khu vực, xuất khẩu ra nước ngoài; hình thành một số trung tâm logistics có quy mô cấp khu vực trên địa bàn tỉnh, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường.
Về lâu dài, để duy trì một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và bền vững, chính quyền tỉnh Bình Dương đang tích cực tạo điều kiện và cùng các đối tác nghiên cứu, phát triển hành lang logistics thông minh, thân thiện với môi trường… thông qua tận dụng hệ thống giao thông đường thủy với các cảng sông và đường sắt nhằm tăng cường kết nối liên vùng, tối ưu hóa năng lực hạ tầng, rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí logistics của doanh nghiệp, làm cầu nối để các công ty địa phương liên doanh, liên kết với các công ty nước ngoài nhằm kết nối với hệ thống logistics toàn cầu.
Đoan Trang
Nguồn trích: binhduong.gov.vn