TTĐT - Theo Kế hoạch đầu tư công năm 2023, vốn địa phương của Bình Dương là gần 18.675 tỷ đồng. Khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn cũng tập trung vào những công trình trọng điểm, có vốn đầu tư cao. Việc nhận diện rõ "điểm nghẽn" và có giải pháp thích hợp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh trong năm 2023 là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Nhận diện những "điểm nghẽn"
Đầu tư công là công tác liên quan đến nhiều ngành, nhiều khâu, trong đó liên quan nhiều nhất là khâu xác định giá đất. Đây là khâu gây ra nhiều "ách tắc" cho các khâu tiếp theo của dự án, đặc biệt là các dự án liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Điển hình như dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.746 (đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa); xây dựng cầu Cầu Bạch Đằng 2 (Dự án 2 xây dựng cầu vượt sông Đồng Nai)... gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ.
|
|
|
Khởi công nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT746 |
Theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, năm 2022, tổng số vốn Ban được giao là 1.837 tỷ đồng, trong đó hơn 70% vốn bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng. Đến ngày 31/01/2023, số vốn giải phóng mặt bằng chưa giải ngân là 1.184 tỷ, chiếm 64,4%. Nguyên nhân là do các phương án bồi thường chưa được phê duyệt theo kế hoạch dự kiến.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến ngày 08/12/2022, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, bao gồm kế hoạch năm 2021 kéo dài chỉ đạt 38,7%. Do đó, UBND tỉnh đã triển khai ngay chiến dịch "Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công" (từ ngày 08/12/2022 đến 31/01/2023).
Sau 50 ngày triển khai chiến dịch, đến ngày 31/01/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh đã đạt 74,4% và tỷ lệ giải ngân vốn các công trình trọng điểm là 66,3%.
|
Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng
|
Kết quả thực hiện Chiến dịch cao điểm "Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công" năm 2022 cho thấy việc xác định đúng và tháo gỡ "điểm nghẽn" là giá đất có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với các dự án có liên quan đến giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, một số dự án chậm tiến độ do tính chất phức tạp của một số gói thầu mua sắm thiết bị chuyên dụng, nên chưa thể tổ chức đấu thầu; hoặc khi tổ chức đấu thầu thì không tìm được nhà thầu đáp ứng yêu cầu cũng là những khó khăn, vướng mắc không nhỏ, điển hình như gói thầu Thiết bị Bệnh viện đa khoa 1.500 giường.
|
Bệnh viện Đa khoa 1500 giường |
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Vĩnh Toàn - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, nguyên nhân tỷ lệ giải ngân các dự án do Ban làm chủ đầu tư đạt thấp là do một số dự án lớn chưa được thực hiện. Cụ thể, Dự án thiết bị Bệnh viện đa khoa 1.500 giường chưa triển khai được với số vốn đầu tư hơn 379 tỷ đồng và Khu trung tâm và hạ tầng kỹ thuật tổng thể Khu tưởng niệm Chiến khu D với số vốn đầu tư là 62,5 tỷ đồng, chỉ mới giải ngân được 22,2%.
Ngoài ra, theo ý kiến của các sở, ban ngành, tỷ lệ giải ngân vốn các công trình trọng điểm thấp còn do các vướng mắc như: Thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn; tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; việc phối hợp di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật… Công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt dẫn đến một số dự án khi triển khai thực hiện không thể giải ngân do vướng quy hoạch, địa điểm, phải điều chỉnh đơn giá, điều chỉnh dự án. Công tác đánh giá và quản lý rủi ro trong quá trình thực hiện dự án chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức.
Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát và gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực cũng là nguyên nhân khiến số vốn không giải ngân hết của tỉnh khá lớn.
Giải pháp "khơi thông"
Rút kinh nghiệm từ Chiến dịch "Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công" năm 2022, ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, sở dĩ Chiến dịch đạt kết quả là do một số nhiệm vụ, giải pháp lần đầu tiên được các cơ quan, đơn vị triển khai. Cụ thể như việc công bố số liệu giải ngân hàng ngày của các chủ đầu tư, giúp các chủ đầu tư có những điều chỉnh kịp thời trong xử lý tiến độ. Bên cạnh đó, việc lồng ghép các bước công việc đã đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường. Hay việc Trung tâm phát triển quỹ đất cập nhật vào dự thảo phương án bồi thường để niêm yết công khai ngay sau khi Hội đồng thẩm định giá thống nhất đơn giá mà không chờ UBND tỉnh phê duyệt đơn giá như trước đây đã giúp các đơn vị rút ngắn thời gian chờ áp giá cho các dự án.
Để công tác giải ngân năm 2023 đạt mục tiêu 25% mỗi quý, theo ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án phải thực hiện sớm để kịp thời điều chỉnh nếu có vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Không để dồn vào các tháng cuối năm, tránh rơi vào tình trạng bị động khi phải điều chỉnh, không kịp giải ngân kế hoạch vốn.
Bên cạnh đó, cần rà soát, xác định các dự án đủ điều kiện bố trí vốn để có thể điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân theo tiến độ trong năm. Đồng thời, cần nghiên cứu cơ chế cho phép điều chuyển vốn trong trường hợp cần thiết đối với một số dự án chưa thực hiện ngay.
Tại cuộc họp bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư công năm 2023 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Minh Minh cho biết, UBND tỉnh sẽ sớm ban hành Chỉ thị liên quan đến đầu tư công dựa trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Trong đó yêu cầu các đơn vị cần phải đôn đốc, tăng cường chỉ đạo công tác đền bù giải tỏa; tập trung các công trình trọng điểm của năm 2023 như Vành đai 3, Vành đai 4, đường Thủ Biên - Đất Cuốc. Các Ban Quản lý dự án và sở, ngành có liên quan cần chú trọng công tác chuẩn bị đầu tư tiền khả thi cho các dự án như Vành đai 4 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, chuẩn bị tốt cho công tác khởi công các dự án như xây dựng hầm chui tại nút giao Ngã năm Phước Kiến, nút giao Ga Sóng Thần…
Đặc biệt, Hội đồng thẩm định giá đất cần hoàn thiện công tác thẩm định giá đất để tháo gỡ khó khăn trong khung giá đất. Các địa phương cần thành lập các tổ giúp việc để các dự án có thể triển khai đúng tiến độ.
Chỉ thị cũng yêu cầu các chủ đầu tư cần chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, tiến độ giải ngân cho từng dự án, bao gồm thuyết minh, đánh giá rủi ro trong quá trình thực hiện của từng dự án; thực hiện báo cáo tình hình thực hiện định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu; có kế hoạch phân công theo dõi để đạt chỉ tiêu đề ra. Đối với các công trình trọng điểm ở cấp huyện, cũng lập các tổ chỉ đạo để các công trình được triển khai đúng tiến độ.
|
|
|
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi kiểm tra tiến độ dự án Vành đai 3
vào những ngày đầu năm mới 2023
|
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh kiến nghị HĐND tỉnh hỗ trợ UBND tỉnh trong công tác giám sát đối với tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm. Đối với các công trình mục tiêu quốc gia, ông yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện và hoàn thành tốt. Sớm triển khai công tác bố trí vốn, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho công tác tái định cư. Đối với các dự án dự kiến khởi công mới trong năm 2023, các cơ quan, đơn vị chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết để sớm triển khai, không để tập trung vào cuối năm; hạn chế các rủi ro phát sinh dẫn đến không kịp giải ngân vốn theo kế hoạch.
"Đầu tư công có vai trò rất to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Việc Bình Dương thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư công không chỉ đảm bảo cho sự phát triển kinh tế, an sinh – xã hội, ổn định chính trị của địa phương, mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ, giữ vững độc lập và chủ quyền của Tổ quốc. Do đó, việc nhận diện và khắc phục những vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ là tiền đề quan trọng cho Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đạt hiệu quả" – Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh nhấn mạnh.
Thảo Lam
Nguồn trích: binhduong.gov.vn