Ngày 4/11, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Thư viện Quốc gia Việt Nam đã tổ chức Hội nghị - Hội thảo Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ của các thư viện Việt Nam và xác định phương hướng, nhiệm vụ hoạt động từ 2022-2027, định hướng đến năm 2030.
Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin được từng bước triển khai từ đầu những năm 1990 tại các thư viện Việt Nam. Công nghệ thông tin đã trở thành công tác mũi nhọn, đồng thời là lực đẩy cho hoạt động thư viện, góp phần quan trọng vào thành tựu và sự phát triển của ngành thư viện Việt Nam.
|
Quang cảnh Hội thảo.
|
Giai đoạn 2017-2022 vừa qua là giai đoạn rất quan trọng đối ngành thư viện. Để triển khai chỉ đạo của Chính phủ, thực hiện định hướng của ngành, lĩnh vực, với sự chủ động, sáng tạo, các thư viện ở tất cả hệ thống thư viện toàn quốc đã cố gắng, nỗ lực thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đề ra với nhiều sản phẩm và dịch vụ sáng tạo, tiện ích dựa trên công nghệ thông tin. Đã có nhiều mô hình thư viện liên kết; thư viện dùng chung, tập trung; thư viện thân thiện; thư viện thông minh; liên hiệp thư viện; mạng lưới thư viện…được hình thành và phát triển, tạo xu hướng mới cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện.
Thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, có thể khẳng định, giai đoạn 2017-2022, ngành thư viện Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của các ngành, lĩnh vực và của xã hội, tiếp tục khẳng định sứ mệnh, vị trí, vai trò của thư viện đối với xã hội, văn hóa, giáo dục.
|
Bà Kiều Thúy Nga - Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam.
|
Phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo, bà Kiều Thúy Nga - Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam cho biết: Giai đoạn 2022-2027, định hướng đến năm 2030 được coi là giai đoạn quyết định của chuyển đổi số hoạt động thư viện. Nếu như trước đây việc ứng dụng công nghệ thông tin để tự động hóa hoạt động thư viện, hướng đến giải bài toán về nghiệp vụ và lấy nghiệp vụ làm trung tâm thì giai đoạn này với quá trình chuyển đổi số thì dữ liệu sẽ là trung tâm cho mọi hoạt động của thư viện, việc ứng dụng công nghệ thông tin tập trung giải bài toán về khai thác dữ liệu và tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ. Như vậy, có thể khẳng định mô hình tập trung, dùng chung hạ tầng, dữ liệu; tích hợp, chia sẻ tài nguyên thông tin sẽ là phương thức chủ đạo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin cho ngành thư viện Việt Nam trong giai đoạn tới.
Riêng đối với Thư viện Quốc gia Việt Nam, thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Thư viện Quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ thực hiện 02 Dự án quan trọng:
Thứ nhất, Số hóa tài liệu quốc gia, mục tiêu là xây dựng, tích hợp, chia sẻ các bộ sưu tập số quốc gia, thực hiện các giải pháp số hóa tập trung và dùng chung.
Thứ hai, Xây dựng mục lục liên hợp quốc gia, mục tiêu tích hợp, chia sẻ dữ liệu thư mục trên quy mô quốc gia.
Đây là những nhiệm vụ rất khó khăn, do đó rất cần sự chung tay, hợp tác của tất cả các hệ thống thư viện toàn quốc.
Tại Hội nghị - Hội thảo, các đại biểu và chuyên gia đã cùng thảo luận và làm rõ một số nội dung: Nhận diện những cơ hội và thách thức của hoạt động thư viện trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình thực hiện chuyển đổi số; Tổng kết, đánh giá các khía cạnh cụ thể về ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2017-2022 bao gồm cả những thành tựu cũng như hạn chế, chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả, các xu thế phát triển; Dự báo tình hình, xác định nhiệm vụ, xây dựng chiến lược, kế hoạch, mô hình giải pháp hoạt động làm kim chỉ nam cho hoạt động thư viện Việt Nam cho giai đoạn tiếp theo 2022-2027 và định hướng đến năm 2030 để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra, tiếp tục khẳng định giá trị của thư viện đối với xã hội trong kỷ nguyên số./.
PV
Nguồn trích: bvhttdl.gov.vn