Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, nhiều doanh nghiệp (DN) tại Bình Dương trở lại sản xuất, có đơn hàng xuất khẩu ngay từ những ngày đầu năm mới, tạo động lực cho DN và người lao động. Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các DN trong tỉnh, Bình Dương đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ.
|
Để thúc đẩy hoạt động XNK của các DN trong tỉnh, Bình Dương đang triển khai những giải pháp đồng hành, tạo thuận lợi tối đa. Trong ảnh: Hàng hóa XNK tập kết tại cảng tổng hợp Bình Dương |
Tăng tốc đầu năm
Ngay sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, công nhân lao động tại các DN đã quay trở lại làm việc ổn định. Nhiều công ty cũng đã tiến hành gặp mặt đầu năm, lì xì, tặng quà, động viên tinh thần công nhân, tạo không khí hứng khởi, tích cực sản xuất đáp ứng những đơn hàng mới.
Ông Ngô Tuấn Hùng, Phó trưởng phòng XNK Công ty R-PAC, chia sẻ hiện hoạt động sản xuất, xuất khẩu của DN đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Công ty TNHH R-PAC Việt Nam chuyên sản xuất, cung cấp đa dạng các sản phẩm như bao bì điện tử, khay đựng linh kiện, hộp giấy, nhãn mác may mặc… Công ty đang tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, sản phẩm bao bì chất lượng cao, thân thiện với môi trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng. Việc có thêm những đơn hàng ngay từ đầu năm không những mang lại sự an tâm cho người lao động, mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng, giúp công ty hoàn thành kế hoạch đặt ra trong năm 2024.
Năm 2023 tình trạng lạm phát tăng cao tại nhiều thị trường khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các DN XNK. Tuy vậy, các DN đã nỗ lực vượt khó, nhanh chóng củng cố lại tổ chức, tuyển dụng thêm nhân lực, tái khởi động lại một số dây chuyền sản xuất. Đặc biệt, nhiều DN đã mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm kiếm thêm các đơn hàng ở nhiều quốc gia khác nhau.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương (HQBD), trong 7 ngày nghỉ tết, Cục Hải quan Bình Dương đã giải quyết thủ tục XNK hàng hóa cho 16 DN với số lượng 88 tờ khai, tổng kim ngạch đạt hơn 8 triệu USD. Mặt hàng chủ yếu gồm máy móc thiết bị, sản phẩm nội thất, thép, mỹ phẩm, giấy phế liệu, nước xả vải, vỏ xe...
Vừa hoàn tất thủ tục xuất khẩu cho đơn hàng trong ngày đầu năm mới tại Chi cục Hải quan Thủ Dầu Một, ông Bùi Thanh Phong, phụ trách bộ phận XNK, Công ty CP Đầu tư Tín An phấn khởi cho biết đây là những đơn hàng đã ký kết được cuối năm 2023 và đầu năm 2024, sau đó xuất khẩu ngay sau kỳ nghỉ tết. Trung bình mỗi tháng DN làm thủ tục hải quan khoảng 180 tờ khai XNK cho 300 container hàng hóa. Hiện công ty đã có thêm nhiều đơn hàng dài hạn. Những tín hiệu tích cực đầu năm mới là động lực để công ty có thêm tinh thần, quyết tâm cho một năm kinh doanh nhiều thắng lợi.
Kỳ vọng vượt khó
Báo cáo của Cục Thống kê Bình Dương cho thấy, trong tháng 1-2024, tổng kim ngạch XNK đạt 4,5 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 2,7 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu có sự tăng trưởng cao, gồm: Gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 205,3%; sắt thép và sản phẩm từ sắt thép tăng 162,3%; túi xách, ví da, ba lô, mũ, ô (dù) tăng 161,2%; giày dép các loại tăng 127,9%; hàng dệt may tăng 126,4% so với cùng kỳ năm trước…
Ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết để phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh ngay từ quý 1 và cả năm 2024, Bình Dương đang tích cực nhiều giải pháp để hỗ trợ DN. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành các cấp cùng với các nhà đầu tư, DN trong tỉnh tháo gỡ khó khăn, tiếp tục hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy hoạt động XNK, tranh thủ thời gian đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Hiệp Long, cho biết tín hiệu tích cực với xuất khẩu gỗ là quý 4 năm 2023 đơn hàng đã tăng nhiều hơn. Do đó, trong năm 2024, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ phục hồi cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới và có thể đạt được tăng trưởng khá hơn năm 2023. Tuy vậy, quá trình xuất khẩu của DN hiện còn nhiều khó khăn, thị trường đang chững lại. Thêm vào đó, việc xuất khẩu ngày càng khó hơn do quy chuẩn sản xuất hàng hóa của các nước ngày càng khắt khe, đòi hỏi DN phải chủ động thích ứng một cách linh hoạt.
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các DN trong tỉnh, ngành chức năng của tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho DN thông qua việc đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa, rút ngắn thời gian và chi phí khi làm thủ tục thông quan; tập trung hỗ trợ DN đẩy mạnh thương mại điện tử, tiếp cận kênh thông tin về xuất khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới, theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu để khai thác. Đặc biệt, việc phát triển hạ tầng logistics là một trong những nhiệm vụ được tỉnh ưu tiên. Bình Dương vẫn đang ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện xây mới, nâng cấp, mở rộng các công trình, dự án giao thông trọng điểm nhằm giúp hàng hóa xuất khẩu của DN ngày càng khơi thông nhanh chóng, giảm được thời gian và chi phí.
Bình Dương hiện có khoảng 3.483 DN có hoạt động XNK thường xuyên, đứng thứ 4 cả nước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gỗ và các sản phẩm từ gỗ, dệt may, máy móc, thiết bị phụ tùng… Để hỗ trợ DN, lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng cho hoạt động xuất khẩu, hiện các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục tập trung hỗ trợ các hiệp hội, DN khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Từ đó, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mở rộng chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu.
NGỌC THANH
Nguồn trích: https://www.baobinhduong.vn