Liên kết website :











[ Đăng ngày: 15/02/2023 ]

 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh vừa có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng các sở, ban ngành liên quan, các địa phương và các cơ sở giáo dục về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT)” trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát cho thấy, việc triển khai thực hiện chương trình nghiêm túc, đúng lộ trình và đạt nhiều kết quả tốt.

 

 Chương trình GDPT 2018 thúc đẩy giáo viên đổi mới sáng tạo trong phương pháp dạy học
 và kiểm tra, đánh giá học sinh. Trong ảnh: Một tiết học của cô và trò trường TH Chánh Nghĩa
(TP.Thủ Dầu Một)

 Tích cực triển khai

Theo đánh giá của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/ QH13 và Nghị quyết số 51/2017/ QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT trên địa bàn tỉnh bảo đảm đúng lộ trình, sâu rộng tới từng cơ sở. Đội ngũ giáo viên đã nắm khá tốt nội dung và phương pháp dạy học theo chương trình mới. Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học được nâng lên. Công tác đề xuất, lựa chọn SGK thực hiện theo đúng quy trình. Ngoài ra, việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK đã đạt được thành công bước đầu, bảo đảm đủ SGK triển khai chương trình mới theo đúng lộ trình quy định.

Việc chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất để triển khai thực hiện chương trình, SGK mới tại các địa phương đáp ứng được cơ bản yêu cầu triển khai chương trình GDPT 2018. Các trường đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện chương trình mới. Đội ngũ giáo viên đã thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh… Đến thời điểm hiện tại, việc triển khai chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh đã có những thành công nhất định. Học sinh tiến bộ hơn kể cả ở việc tiếp thu kiến thức lẫn hình thành, phát triển các năng lực, phẩm chất cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, để triển khai đổi mới chương trình, SGK GDPT, địa phương đã chuẩn bị trong thời gian khá dài với các bước triển khai cụ thể, tích lũy những điều kiện cần và đủ để triển khai thực hiện. Đến nay, Sở GD&ĐT đã triển khai thực hiện bảo đảm nội dung và lộ trình theo chỉ đạo; tiếp tục chuẩn bị các điều kiện thực hiện đổi mới chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh ở các năm học tiếp theo nhằm ngày càng nâng cao chất lượng GD&ĐT theo yêu cầu, mục đích đổi mới của chương trình.

Kiến nghị nhiều giải pháp

Tại cuộc làm việc với Sở GD&ĐT cùng các sở, ngành liên quan và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đánh giá giai đoạn đầu việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 diễn ra đúng kế hoạch, đúng lộ trình. Việc triển khai chương trình SGK mới bảo đảm các yêu cầu, mục tiêu, tạo điều kiện và nền tảng thuận lợi cho giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện cũng phát sinh một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: Trước thực trạng số học sinh tăng nhanh, tăng mạnh hàng năm trên địa bàn tỉnh, nhiều đơn vị, trường học có số học sinh/ lớp vượt cao quá mức so với quy định, nhiều trường phải giảm lớp học 2 buổi/ngày do thiếu phòng học. Đặc biệt, thực trạng dạy học 1 buổi/ngày đối với lớp 1, 2, 3 ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện chương trình GDPT mới về thời gian, thời lượng học tập; vẫn còn thiếu nhiều giáo viên so với mức quy định, nhất là bậc THCS và TH; việc lựa chọn tổ hợp môn ở lớp 10 gây khó khăn cho các đơn vị trong việc sắp xếp biên chế lớp, phân công giáo viên giảng dạy; chậm hoàn thành công tác mua sắm trang thiết bị tối thiểu phục vụ chương trình đổi mới và in ấn tài liệu địa phương trong năm học 2022-2023…

Theo thầy Phạm Văn Xuân, Hiệu trưởng trường TH Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một), kể từ khi triển khai chương trình GDPT 2018, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1, 2, 3 theo lộ trình, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. Nhờ đó, việc triển khai chương trình mới từng bước đi vào ổn định. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy theo chương trình mới, nhà trường cũng đã gặp một số khó khăn như chương trình SGK mới có một số nội dung nặng về kiến thức, khó so với học sinh tiểu học, giáo viên vẫn còn gặp một số bất cập khi thực hiện các nội dung giáo dục tích hợp…

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh đã nêu ra nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp lâu dài để bổ sung đội ngũ ngành giáo dục trong điều kiện thực hiện tinh giản biên chế và quy mô học sinh ngày càng tăng. Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục quan tâm, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; có cơ chế thu hút nhân tài ngành sư phạm; bố trí đủ biên chế giáo viên cho ngành giáo dục; cần có chương trình cụ thể cho môn hướng nghiệp, kỹ năng sống; phê duyệt sớm danh mục sách giáo khoa; thực hiện tốt chế độ, chính sách cho giáo viên nhất là giáo viên trẻ; bố trí kinh phí cho việc bồi dưỡng nhân lực để triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018; thực hiện liên thông trong đào tạo để chuẩn hóa và nâng chuẩn đội ngũ hiện có…

Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh:

Sở GD&ĐT cần phối hợp các ngành tiếp tục tham mưu thực hiện tốt hơn nữa khi tiếp tục triển khai chương trình mới một cách chặt chẽ, theo đúng lộ trình. Ngành GD&ĐT bổ sung, hoàn thiện báo cáo, đồng thời tiếp tục quan tâm chỉ đạo, khắc phục khó khăn để triển khai hiệu quả chương trình GDPT mới. Các sở, ngành liên quan tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và xem xét nội dung nào giải quyết được trong phạm vi của tỉnh để tham mưu, đề xuất giải quyết… Đoàn sẽ xem xét tổng hợp, báo cáo và kiến nghị với tỉnh và Quốc hội trong thời gian tới.

TUỆ NHI

Nguồn trích: baobinhduong.vn

CÁC TIN KHÁC