Đi một ngày đàng / Bùi Trân Phượng...[và những người khác]. - Hà Nội : Thời đại, 2012. - 154 tr. ; 18 cm
Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Câu tục ngữ này có lẽ đã quá quen thuộc với mỗi người Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ. Thông điệp mà ông cha ta để lại qua câu nói này cũng hết sức rõ ràng, thấu đáo: Bất kỳ ai, muốn nên người, muốn hiếu biết nhiều, muốn có kiến thức rộng, am hiểu sự đời, thì bản thân mỗi người đều phải lăn lộn với cuộc sống, phải đi nhiều, phải đi đây đi đó để thu lượm, học hỏi thêm nhiều tri thức mới mẻ, phong phú, bổ ích để nâng cao, mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết của chính mình. Xã hội loài người phát triển được như ngày nay là nhờ quá trình tìm hiểu, nhận thức, tích lũy và không ngừng nâng cao tri thức của tất cả các dân tộc trên thế giới. Tri thức rất cần thiết đối với con người. Muốn có tri thức thì phải học hỏi: Học trong sách vở và học từ thực tế cuộc sống.
Cuốn sách vừa là món quà dành tặng cho các bạn học sinh, sinh viên ở các cấp học, vừa thể hiện mong muốn, tham vọng của những người thực hiện mang đến loạt sách chuyên đề về nghiên cứu và học hỏi dành cho bạn đọc trẻ. Với tư cách là những học giả, nhà nghiên cứu, nhà giáo nhiều kinh nghiệm, các tác giả đã đem đến những đúc kết toàn diện, công phu về bản chất của việc thu nhận kiến thức, về lịch sử nền học vấn của con người, những tương đồng và dị biệt trong việc tổ chức học vấn giữa các quốc gia, quan hệ giữa sự học và vận mệnh cá nhân, vận mệnh xã hội. Khái quát về các vấn đề này, Nhật Bản được giới thiệu kỹ càng (qua một giai đoạn lịch sử điển hình) để mọi người chiêm ngưỡng một viên ngọc trác tuyệt của tinh thần hiếu học hiếu tri. Điểm tương đồng dễ nhận thấy giữa các tác giả trong Đi một ngày đàng... là đề cao vai trò cá nhân, môi trường tự do, phương pháp đúng đắn trong nghiên cứu - học hỏi; những ưu tư trăn trở về “nhà trường của ta, cách học của ta” trong tương quan cạnh tranh với thế giới; lòng mong mỏi người học có được tinh thần khai phóng trên con đường tìm kiếm chân lý, tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình và gia đình, và tìm kiếm thành công trong sự nghiệp.
Môn loại: 895.9228 / Đ300M
SĐKCB: VN.035542, M.154795, M.154796, M.154797