Liên kết website :











[ Đăng ngày: 25/07/2022 ]

“Ôi những con người làm nên Đồng khởi

Ơi những cây dừa để lại cho ta bóng quê

Ơi tóc ai dài để lại dáng đứng Bến Tre...”


Những lời trong bài hát “Dáng đứng Bến Tre” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chắc hẳn có nhiều người đã được nghe, nhưng chắc chắn cũng sẽ có nhiều người chưa biết những lời trong bài hát này muốn nhắc đến ai. Đó là người thủ lĩnh đã khai sinh “Đội quân tóc dài” - Thiếu tướng Nguyễn Thị Định. Cuốn sách “Nguyễn Thị Định - Vị nữ tướng đầu tiên của thời đại Hồ Chí Minh” do NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành năm 2020, dày 105 trang sẽ giúp người đọc hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp cũng như con đường hoạt động cách mạng của người phụ nữ đầu tiên được phong làm tướng trong lịch sử chiến tranh nhân dân Việt Nam.

 

    Quyển sách dẫn dắt người đọc tìm hiểu về 4 cái “tình” trong cuộc đời của bà Nguyễn Thị Định, đó là: Tình đất - Tình nước - Tình bạn bè quốc tế - Tình dân tộc.

    Tình đất - Sinh ra và lớn lên ở một miền quê giàu truyền thống yêu nước, năm 16 tuổi, được sự giác ngộ của người anh trai, bà đã tham gia cách mạng, sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 18 tuổi kết hôn với một người đồng đội của anh trai mình là ông Nguyễn Văn Bích. Nhưng niềm vui chưa đầy, khi mới sinh con được ít hôm thì chồng bà đã bị địch bắt và hi sinh ở nhà tù Côn Đảo. Bản thân bà cũng bị địch bắt và đày lên Bà Rá suốt ba năm, địch đưa về quản thúc ở địa phương.

    Tình nước -  Là giai đoạn hoạt động cách mạng sôi nổi của bà Nguyễn Thị Định từ năm 1944 đến năm 1975 với những dấu mốc quan trọng như: vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường Nam Bộ, lãnh đạo và chỉ huy thắng lợi phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre năm 1960. Nhưng cũng trong khoảng thời gian này, bà phải chịu một nỗi mất mát lớn, đó là người con trai duy nhất của bà bị bệnh và mất ở miền Bắc sau 6 năm mẹ con chưa gặp nhau.

    Với những đóng góp lớn lao cho cách mạng, năm 1965, bà được phong chức Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng Miền. Trong thời gian công tác ở Bộ Tư lệnh Miền, bà luôn đồng cam cộng khổ với chiến sĩ. Trang phục mà nữ tướng vẫn thường mặc là bộ quần áo bà ba, khăn rằn quấn cổ, nón lá, đi dép râu, vai đeo túi để sẵn sàng lấy ra cây kim, sợi chỉ vá áo cho bộ đội. 

    Năm 1974, bà được dẫn đoàn đại biểu Mặt trận, Quân đội, Hội Phụ nữ giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, đến lúc này bà mới được gặp lại con trai, đặt cành hoa huệ trắng lên mộ con. Tháng 4 năm 1974, Bà được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

    Tình bạn bè quốc tế - Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà được bầu là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, rồi Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Ở bất cứ cương vị nào, bà cũng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trong những lần tiếp các đoàn khách quốc tế, bà luôn để lại ấn tượng về một người phụ nữ Việt Nam dịu dàng nhưng mạnh mẽ.

    Tình dân tộc - Phụ nữ Việt Nam luôn có vai trò to lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ non sông đất Việt, tạo dựng nên truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, Bà Nguyễn Thị Định là một minh chứng rõ nhất. Từ khi còn hoạt động cách mạng đến lúc nghỉ hưu và mất vào ngày 26/8/1992, bà vẫn luôn được mọi người yêu mến vì sự gần gũi, giản dị, tận tụy, hết lòng vì quyền con người. Chính vì thế, khi bà mất, ở miền Bắc, miền Trung, hay ở miền Tây đều có đền thờ của bà, hình ảnh Nguyễn Thị Định đã trở thành bất tử trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế.

    Qua các hình ảnh còn lưu giữ, cuốn sách góp phần giúp bạn đọc hiểu hơn một người phụ nữ xuất sắc, một nữ tướng tài ba đã cống hiến cả cuộc đời cho Tổ quốc, được nhân dân, đồng đội và người thân vô cùng yêu mến, quý trọng. Sách hiện có ở Thư viện tỉnh Bình Dương, thân mời quý độc giả tìm đọc.

CÁC TIN KHÁC