Liên kết website :











[ Đăng ngày: 02/07/2023 ]
Trong nền văn học Việt Nam, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du luôn được tôn vinh là kiệt tác hàng đầu, là nguồn cảm hứng vô tận cho các tác phẩm nghệ thuật. Với 3254 câu thơ lục bát, Truyện Kiều  đã khắc họa rõ nét thân phận đau đớn của người phụ nữ trong xã hội cũ, lên án các thế lực phong kiến đã chà đạp lên nhân phẩm con người, đồng thời Truyện Kiều cũng ca ngợi vẻ đẹp cùng ước vọng sống, ước vọng hạnh phúc của con người. Tuy nhiên, đó là cái nhìn khách quan của tác giả, còn các nhân vật trong Truyện Kiều thì sao? Họ là ai? Họ nghĩ gì và nếu sống đến hôm nay thì họ muốn nói gì với chúng ta? Những câu hỏi ấy sẽ được hé mở phần nào trong “Truyện Kiều tự kể” của tác giả Cao Nguyệt Nguyên. 

Khác với các tác phẩm viết về Truyện Kiều thông thường, “Truyện Kiều tự kể” là sự kết hợp giữa những lời tự sự của từng nhân vật thông qua ngòi bút của tác giả Cao Nguyệt Nguyên và sự minh họa bằng hình ảnh của 12 họa sĩ. Sự kết hợp này tạo nên nét đặc trưng lôi cuốn, hấp dẫn và dễ hiểu đối với người đọc. Đối với mỗi nhân vật, đa số tác giả đều chia thành 3 phần chính: chân dung nhân vật, tình tiết nổi bật của nhân vật và nhân vật đó trong đời sống ngày nay. Ở mỗi phần đều có hình minh họa và nhân vật được kết thúc bằng những câu thơ trích dẫn trong Truyện Kiều. Sự phân chia này giúp người đọc có cái nhìn rõ ràng, hiểu một cách sâu sắc hơn về nhân vật đó cũng như vì sao diễn biến câu chuyện lại xảy ra như vậy?

Không theo một logic quen thuộc là nhân vật chính sẽ được đưa lên đầu và chiếm đa số trong tác phẩm .Tác giả Cao Nguyệt Nguyên đã mở đầu “Truyện Kiều tự kể” bằng những lời bộc bạch của Thúy Vân và  nhân vật Thúy Kiều lại được xuất hiện sau cùng như một lời kết cho tất cả những câu chuyện liên quan trước đó . Với cách nói dí dỏm, chân thật, Thúy Vân đã cho người đọc biết rằng mình là “một đứa hiền lành và an phận, chuyện lớn chuyện nhỏ trong đời tôi đều nghe theo bố mẹ và chị”. Khác với Thúy Kiều, Thúy Vân không tha thiết thơ phú đàn ca mà nàng mê những món ăn ngon, mê thêu thùa may vá, dệt lụa “có thể ngồi cả ngày bên khung cửi, chưa bao giờ biết mỏi”. Điều này phần nào lý giải cho nhan sắc “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” của nàng. Xưa nay chúng ta vẫn biết chuyện Thúy Kiều bán mình chuộc cha và ca ngợi đó là sự hy sinh to lớn của một người con hiếu thảo. Chúng ta thương cho số phận nàng Kiều và đôi lúc tự hỏi: tại sao không phải là Thúy Vân mà lại là Thúy Kiều trong khi nàng Vân đang độc thân còn Kiều đã có ý trung nhân? Hẳn bạn đọc cũng đã có lúc trách gia đình đã dồn trách nhiệm cứu cha lên đôi vai nhỏ bé của Thúy Kiều. Nhưng khi đọc những lời tự sự của Thúy Vân, chúng ta hiểu và thương nàng hơn, bởi khi nghe chị nói với mẹ “sẽ nhờ bà mối đánh tiếng xa gần, biết đâu có người quân tử bỏ tiền lấy con về làm thê thiếp” Thúy Vân đã hốt hoảng “Không, chị đừng làm thế, em sẽ dệt lụa và thêu thùa cho người ta để kiếm tiền”. Và nàng đã thức suốt đêm để dệt lụa đến nỗi mắt nhòa đi, ngón tay bật máu. Sau đó nàng rùng mình, trốn vào nhà lau nước mắt khi thấy người đến mua Kiều là một gã đàn ông phục phịch, thô kệch. Rồi khi thấy chị mình như người mất hồn, rầu rĩ ngồi trước kỉ vật của Kim Trọng, Thúy Vân đã tình nguyện thay chị mình để bán cho Mã Giám Sinh! Một người con gái như vậy thật đáng để người sau ca ngợi không thua kém gì Thúy Kiều. Qua những lời bộc bạch của Thúy Vân, chúng ta hiểu vì thương chị, muốn chị yên tâm nên nàng đành nhận lời gá nghĩa cùng Kim Trọng chứ chẳng phải nàng yêu thương gì chàng Kim!

Khi đọc “Truyện Kiều tự kể”, hẳn nhiều người sẽ bất ngờ bởi đã quen với những khuôn mẫu trước kia. Tuy nhiên, với cái nhìn của một người trẻ, tác giả muốn các nhân vật hiện lên với những tính cách thật đời thường, thật con người và thật tương thích với cuộc sống hôm nay: cũng yêu ghét rạch ròi, tính toán thiệt hơn, cũng biết khoác lên mình tấm áo đẹp hay những mĩ từ phủ lên tâm tính gai góc. Đây có thể là một sự mạo hiểm của tác giả nhưng nghệ thuật là tự do, tự do sáng tạo, tự do khai mở, dẫn lối và tiếp nối. Sự kết hợp giữa nội dung cùng hình thức – các bộ tranh minh họa đã tạo nên một tác phẩm giá trị, kích thích sự tưởng tượng và mang đến nguồn cảm hứng vô tận cho bạn đọc ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Nếu bạn có đam mê nền văn học nước nhà và tình yêu với Truyện Kiều, hãy dành thời gian đến với “Truyện Kiều tự kể” của tác giả Cao Nguyệt Minh, được minh họa bởi 12 họa sĩ do NXB Kim Đồng phát hành năm 2020, chắc chắn bạn sẽ có thêm một cách nhìn đa diện hơn, hấp dẫn hơn về danh tác này, để từ đó ta càng yêu hơn Truyện Kiều của Nguyễn Du. Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Bình Dương, thân mời quý bạn đọc đến đọc và trải nghiệm!

Thanh Huyền - Thư viện tỉnh Bình Dương

CÁC TIN KHÁC