Liên kết website :











[ Đăng ngày: 26/07/2023 ]
TTĐT - Sáng 25-7, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, Đoàn công tác của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Học viện) do GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện làm Trưởng đoàn đã đến khảo sát, tổng kết quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Tiếp và làm việc với Đoàn có bà Trương Thị Bích Hạnh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Những thành tựu trong công cuộc đổi mới

Báo cáo với Đoàn công tác, bà Lê Thị Mộng Diễm – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Dương trong triển khai, thực hiện đường lối đổi mới từ năm 2011 đến nay đã bám sát chiến lược, mục tiêu tổng thể đường lối đổi mới của Đảng đã đề ra, đẩy mạnh đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững.

Có xuất phát điểm là một tỉnh nông nghiệp, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng tạo có tính đột phá để lãnh đạo xây dựng Bình Dương trở thành tỉnh phát triển năng động, địa bàn quan trọng gắn kết các tỉnh, thành phố của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trung tâm công nghiệp - đô thị hiện đại. Từ 07 khu công nghiệp vào năm 1997, đến nay, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp, cơ cấu kinh tế (GRDP) với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm 89,56%; đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) sau TP.Hồ Chí Minh, tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương đứng thứ 3 của cả nước, thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 8,076 triệu đồng/tháng.
 
 
 Toàn cảnh buổi làm việc

Hạ tầng giao thông được ưu tiên đầu tư trước một bước để mở đường cho kinh tế phát triển. Nhiều công trình, dự án giao thông quan trọng, kết nối với hệ thống giao thông Vùng và Quốc gia được xây dựng, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả. Hạ tầng công nghiệp của tỉnh tiếp tục được hoàn thiện; từng bước đầu tư mô hình khu công nghiệp - đô thị khoa học công nghệ để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Hạ tầng đô thị được thực hiện quyết liệt, vừa cải tạo vừa xây dựng đô thị mới theo chiến lược phát triển đô thị thông minh, với các nguồn vốn và hình thức đầu tư đa dạng, không gian đô thị ngày càng mở rộng.

An sinh, phúc lợi xã hội ngày càng mở rộng và nâng cao, đảm bảo mọi người dân đều được chăm lo, thụ hưởng đầy đủ và công bằng từ các thành quả phát triển kinh tế; huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển giáo dục, y tế và giải quyết tốt các vấn đề đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động. Công tác giảm nghèo đạt thành tựu quan trọng, từ năm 2017 Bình Dương được công nhận không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương và tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn riêng của tỉnh còn dưới 1%. Năm 2022, Bình Dương tiếp tục nâng mức chuẩn nghèo riêng của tỉnh về thu nhập cao hơn của Trung ương 1,5 lần.
 
 
 Có xuất phát điểm là một tỉnh nông nghiệp, đến nay Bình Dương
 trở thành tỉnh phát triển năng động, địa bàn quan trọng gắn kết
các tỉnh, thành phố của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam,
trung tâm công nghiệp - đô thị hiện đại

Tiềm lực khoa học và công nghệ được đầu tư và ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là trong hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Tỉnh đã thành lập Trung tâm Sáng kiến cộng đồng - Hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển hệ thống các phòng thí nghiệm thông minh tại các trường đại học, cao đẳng; hình thành và phát triển các vườn ươm doanh nghiệp.

Từ năm 2016, tỉnh Bình Dương đã thực hiện Đề án "Thành phố thông minh Bình Dương" và luôn bám chặt chuyển đổi kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa. Với tầm nhìn đột phá và nhiều kết quả nổi bật đã đạt được, tỉnh Bình Dương đã trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), giai đoạn 2019 - 2023 được ICF vinh danh trong TOP 21, đặc biệt là các năm 2021-2023, Bình Dương nằm trong TOP 7 địa phương, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới.

Những kinh nghiệm từ thực tiễn

Tại buổi khảo sát, các thành viên trong Đoàn đã thảo luận, làm rõ việc thực hiện những quyết sách lớn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong quá trình thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng; những thành tựu, hạn chế và tác động thiết thực của việc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh, nhất là từ năm 2011 đến nay.
 
 
 Thành viên Đoàn công tác đặt câu hỏi cho lãnh đạo
các sở ngành tỉnh Bình Dương

Tỉnh đã chia sẻ với Đoàn công tác những kinh nghiệm, định hướng chiến lược để Bình Dương lần lượt được ICF vinh danh trong TOP 21, và đặc biệt lọt vào trong TOP 7 địa phương, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới trong 3 năm liên tiếp 2021-2023. Theo đó, để thực hiện Đề án "Thành phố thông minh Bình Dương" thành công, tỉnh Bình Dương đã hợp tác với thành phố kết nghĩa Eindhoven (Hà Lan) - một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu châu Âu, hỗ trợ tỉnh Bình Dương vươn đến nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn, lấy đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ làm động lực phát triển, xây dựng đô thị xanh, sạch, đáng sống, tạo tiền đề phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số. Khác với cách tiếp cận thông thường chỉ chú trọng ứng dụng công nghệ vào đô thị, tỉnh Bình Dương thực hiện đột phá toàn diện, cả công nghệ lẫn phi công nghệ, tập trung nâng cao hàm lượng tri thức, sáng tạo trong đời sống và kinh tế. Với cách tiếp cận này, "Thành phố thông minh Bình Dương" như một hệ sinh thái năng động sáng tạo, trong đó mọi thành tố không ngừng được cải tiến, đổi mới, tối ưu hóa. Đáng chú ý, quá trình triển khai tỉnh Bình Dương vận dụng mô hình Ba nhà (Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp) để chuyển mình nhanh chóng và đạt được nhiều thành tựu ấn tượng.
 

 
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành
phát biểu tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành cho rằng những thành tựu kinh tế- xã hội của tỉnh bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trước hết là về vị trí địa lý, tỉnh tiếp giáp với TP.Hồ Chí Minh  - trung tâm kinh tế của cả nước; đồng thời với vị thế "đắc địa", nằm trong Vùng kinh tế trong điểm phía Nam, Bình Dương đã thu hút hàng triệu lao động đến từ mọi vùng, miền của đất nước. Cùng với đó là tinh thần vượt khó vươn lên của người Bình Dương, tư duy đổi mới của các thế hệ lãnh đạo với các quyết sách đúng đắn thực hiện đổi mới, Bình Dương không chỉ thực hiện chiến lược "trải chiếu hoa thu hút đầu tư" mà còn "trải thảm đỏ thu hút nhân tài", xây dựng nhiều chính sách nhằm thu hút đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nên nội lực để địa phương bứt phá mạnh mẽ. Bình Dương luôn đồng hành, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh, xem khó khăn của doanh nghiệp chính là khó khăn của chính quyền, xem người dân doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm trong sự phát triển của tỉnh…

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong giai đoạn đầu, tỉnh phát triển công nghiệp thô sơ; giai đoạn tiếp theo phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ và giai đoạn hiện nay tỉnh tập trung phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ- thương mại dựa trên công nghệ đổi mới sáng tạo; chú trọng phát triển xanh, sử dụng năng lượng sạch, ít thâm dụng lao động.

Tại buổi làm việc, đại diện Sở Nội vụ, Công an tỉnh cũng đã kiến nghị Đoàn báo cáo với Trung ương xem xét, có biện pháp tháo gỡ về biên chế cho tỉnh trong thời gian tới. Bình Dương có quy mô dân số đứng thứ 6 cả nước, thu hút đầu tư nằm trong TOP 3 nhưng số lượng biên chế lại đứng thứ 53 của cả nước. Xét về quy mô dân số, tốc độ phát triển của tỉnh thì đây là điều bất hợp lý. Mặc khác, 54% dân số tỉnh Bình Dương là lao động từ các địa phương khác đến, tuy nhiên, biên chế của Công an tỉnh Bình Dương lại xếp 62/63 tỉnh, thành.
 
 
 GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia
Hồ Chí Minh phát biểu kết luận tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận, GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá, qua buổi làm việc lãnh đạo tỉnh và các sở ngành đã chia sẻ rất nhiều vấn đề nêu bật được những thành công, kinh nghiệm cũng như những khó khăn, hạn chế của tỉnh trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Đây là những tư liệu quý cho Đoàn công tác để tổng kết rút kinh nghiệm, đánh giá quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Ông mong muốn thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, chú trọng phát triển thu hút nguồn nhân lực, quy hoạch phát triển, để đưa Bình Dương tiếp tục phát triển bền vững, văn minh, hiện đại và trở thành nơi đáng sống.

Yến Nhi 
Nguồn trích: https://www.binhduong.gov.vn/

CÁC TIN KHÁC