Liên kết website :











[ Đăng ngày: 25/06/2024 ]
Tác giả Bảo Ninh, tên thật là Hoàng Ấu Phương quê ở Quảng Bình. Ông vào bộ đội năm 1969 và tham chiến trong chiến tranh Việt Nam, làm việc tại báo Văn nghệ trẻ (1996-2009) và là thành viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1997. Bảo Ninh được nhiều độc giả yêu thích trong các thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn. Quyển sách Nỗi buồn chiến tranh gồm 348 trang, khổ 13 x 20 được xuất bản đầu tiên năm 1987 tại NXB Hội nhà văn với tên gọi “Thân phận của tình yêu”, sau đổi tên thành “Nỗi buồn chiến tranh”. Đến năm 1991, tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam và nhận được sự yêu thích nồng nhiệt từ độc giả.

Với cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh đã miêu tả sâu hơn về số phận của con người trải qua sau trận mạc, sự mất mát của các cá nhân sau thời chiến. Nhân vật chính trong tác phẩm là Kiên - một cựu chiến binh trở về sau khi đất nước đã hòa bình. Kiên là người thuật lại những sự kiện thuộc về quá khứ qua điểm nhìn của chính mình. Thông qua nhân vật này, bạn đọc có thể hình dung được những mất mát đau thương mà chiến tranh đã để lại cho anh và những người đồng đội của mình: Chiến tranh đâu chỉ có vinh quang, đấu tranh vì chính nghĩa. Chiến tranh còn là sự thống khổ, chết chóc, hủy diệt. Và dù đã có rất nhiều chiến sĩ trở về sau khi thắng lợi nhưng họ không còn là họ nữa, họ không sống được một cuộc sống như thường nhật, vết thương lòng họ vô cùng đau đớn và rỉ máu, tâm trí họ đã bị nhuốm màu u tối của nỗi buồn chiến tranh, chính những trận chiến khốc liệt trên mặt trận đã lấy mất đi sự yên bình trong cõi lòng của những người chiến sĩ xung phong vì Tổ quốc. Sự tàn bạo của cuộc chiến là khi nó cướp đi sinh mạng của những người hùng hi sinh quên mình, nhưng còn điều kinh khủng hơn là việc nó ám ảnh cả những kẻ sống sót một cách day dứt. Như nhân vật Kiên, trong cuộc chiến, anh là một người can đảm, thông minh, nhanh trí, không hề sợ hãi trước kẻ thù và cái chết. Trở về khi hòa bình, anh nhận ra tâm trí mình đã vĩnh viễn mắc kẹt ở quá khứ, thứ đang tồn tại giờ đây chỉ còn là cái xác mà thôi. Hay như nhân vật Vượng - đồng đội của Kiên. Vương là một anh lính lái xe tài nghệ, anh nhẹ nhàng đi qua những con đường gập ghềnh, khúc khuỷu. Nhưng lạ thay, khi giải ngũ trở về, anh lại khó chịu, say xe với những con đường êm ái, bằng phẳng. Có lẽ, anh đã quen với chiến tranh mất rồi. 

Cuốn sách Nỗi buồn chiến tranh là một kiệt tác mang đậm tính nhân văn. Nó giúp ta hiểu thêm về những gì mà chiến tranh mang lại “Chính nghĩa đã thắng, lòng nhân đã thắng, nhưng cái ác, sự chết chóc và bạo lực phi nhân cũng đã thắng. Cứ nhìn mà xem, cứ ngẫm nghĩ mà xem, thực sự là như thế đấy. Những tổn thất, những mất mát có thể bù đắp, các vết thương sẽ lành, đau khổ sẽ hóa thạch, nhưng nỗi buồn về cuộc chiến tranh thì sẽ ngày càng thấm thía hơn, sẽ không bao giờ nguôi”. (Trích Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh). Sống trong thời bình, khi những cuộc chiến đã qua đi, thì những quyển sách như Nỗi buồn chiến tranh có lẽ sẽ không bao giờ hết bạn đọc, không bao giờ khiến ta thôi xúc động và rơi lệ. Bởi mỗi chúng ta, đặc biệt là những người trẻ phải cần học thêm & hiểu thêm rất nhiều về chiến tranh, về lịch sử nước nhà để ta thêm trân trọng, thương yêu, góp phần dựng xây đất nước giàu đẹp. 

Nhận xét về quyển sách, các nhà phê bình đã tốn không ít giấy mực “Tiểu thuyết của Bảo Ninh thuộc hàng kinh điển thế giới ở dòng văn chiến tranh” (Günter Giesenfeld - Giáo sư văn chương Đức); “Cuộc chiến tranh Việt Nam đã in dấu trong tâm trí của chúng ta qua vô số tác phẩm điện ảnh và văn học, nhưng chưa tác phẩm nào có thể gửi đến chúng ta một thông điệp đầy ám ảnh như là cuốn tiểu thuyết này của Bảo Ninh” (Yorkshire Post); “Nỗi buồn chiến tranh đã chạm vào mẫu số chung của nhân loại - đó là câu chuyện của thân phận, của mất mát, của tình yêu và chiến tranh…Chỉ có những tác phẩm như vậy mới thực sự được đón nhận và sẻ chia” (Nguyễn Quang Thiều). 

Chính những giá trị tinh túy, nhân văn và đầy xúc cảm ấy đã khiến tác phẩm vượt qua sự đào thải khắc nghiệt của thời gian. Đi cùng bạn đọc theo năm tháng. Hãy cùng đọc trọn vẹn quyển sách để cảm nhận bao thông điệp và bài học quý giá mà tác giả gửi gắm!

Nguyễn Anh Hào - Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Bình Dương năm 2023
CÁC TIN KHÁC