Liên kết website :











[ Đăng ngày: 27/11/2023 ]
(BDO) Bình Dương đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số (CĐS), hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. 

Hỗ trợ hiệu quả

Thời gian qua, tỉnh Bình Dương luôn quan tâm công tác CĐS. Chỉ số CĐS (DTI) của tỉnh năm 2022 xếp hạng 19/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2021. Tất cả các lĩnh vực của tỉnh đang tích cực thực hiện CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, sản xuất, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị, DN và đã tạo sự lan tỏa trong hoạt động của các cấp, các ngành, người dân và DN trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, CĐS đang trở thành một xu thế, một động lực thúc đẩy quan trọng trong phát triển của xã hội nói chung và của từng DN, đơn vị nói riêng. Bình Dương đã và đang xây dựng quy hoạch cụ thể dự án Khu công nghiệp khoa học công nghệ đặt tại huyện Bàu Bàng, trong khi đó Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC) đã đi vào hoạt động.
  
 

  Các giải pháp công nghệ được giới thiệu tại Hội nghị thúc đẩy mô hình CĐS cho DN ngành công thương năm 2023

Bình Dương chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng và kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng logistics đường sông, đường sắt; triển khai xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương, hệ thống thông tin địa lý GIS trên địa bàn tỉnh; xây dựng và phát triển làng thông minh...

Đặc biệt, hoạt động kinh tế số được tỉnh quan tâm triển khai nhằm hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn để kết nối, quảng bá, giới thiệu thêm sản phẩm, các kênh phân phối mới.

Tại Hội nghị thúc đẩy mô hình CĐS cho DN ngành công thương năm 2023, ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đánh giá các giải pháp, mô hình CĐS được chia sẻ sẽ góp phần tạo tiền đề, thúc đẩy nhanh CĐS, kinh tế số, xã hội số cho tỉnh Bình Dương. 

Tại hội nghị thúc đẩy mô hình CĐS cho DN ngành công thương năm 2023 mới đây, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất một số giải pháp chuyển đổi số theo 10 nhóm nền tảng số giai đoạn 2023-2024. Cụ thể, ông đề xuất ứng dụng trợ lý ảo, trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển của Việt Nam tới tất cả các khâu sản xuất; thí điểm đánh giá kinh tế số tới cấp huyện; thí điểm sàn giao dịch dữ liệu; CĐS xây dựng hình mẫu đô thị thông minh và khu công nghiệp thông minh...

Để thúc đẩy CĐS cho DN ngành công thương, ông Trần Minh Tuấn đề xuất Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương thành lập bộ phận tư vấn CĐS cho DN nhỏ và vừa (SME). Từ đó, hướng dẫn DN tự đánh giá và tìm các nền tảng CĐS phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Cùng với đó, triển khai các sáng kiến thúc đẩy thanh toán số, như: Làng số, xã số, khu phố không dùng tiền mặt… 

Nâng cao năng lực

Để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nền kinh tế số, rất cần vai trò của Nhà nước và tinh thần đổi mới, sáng tạo của cộng đồng DN nhằm nắm bắt kịp thời các công nghệ mới, chủ động đầu tư cải tiến công nghệ cũng như ứng dụng những mô hình, giải pháp công nghệ... để thúc đẩy CĐS trong DN.

Ông Đỗ Huy Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần giải pháp chuỗi cung ứng smarlog, chia sẻ: “Chúng tôi không ngừng đổi mới về công nghệ và giải pháp nhằm góp phần hỗ trợ DN tại Bình Dương có thể cạnh tranh ở tầm khu vực. Các giải pháp mà smartlog cung cấp đang từng bước làm thay đổi cách vận hành trong ngành logistics theo xu hướng cách mạng 4.0.

Mạng lưới logistics toàn diện mà smartlog xây dựng đã trở thành một hệ sinh thái giúp các DN nâng cao hiệu quả vận hành, cải thiện rõ rệt chất lượng dịch vụ logistics, đồng thời có thể chia sẻ, tối ưu hóa nguồn lực để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của từng DN. Smartlog cung cấp một hệ sinh thái đầu cuối và hoàn chỉnh cho ngành logistics, từ đầu vào đến đầu ra của chuỗi cung ứng. Từ đó, giúp DN có thể tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân sự vận hành qua CĐS nhờ ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin’’.

Ông Đỗ Bình cho rằng DN nhỏ và vừa cần sự tư vấn, hỗ trợ đúng với cái mình cần chứ không phải đi vào những vấn đề cao xa. Như vậy vừa tiết kiệm chi phí vừa phù hợp với nhu cầu khách hàng.

Ông Huỳnh Thanh Trung, phụ trách mảng CĐS Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết đứng trước yêu cầu “xanh hóa” sản xuất DN bắt buộc phải triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ để đạt mục tiêu phát triển bền vững. DN phải ứng dụng công nghệ vào các quy trình quản lý để hàng hóa nhập khẩu vào thị trường quốc tế phải kiểm soát được các thông số theo yêu cầu...

Bình Dương hiện có khoảng 65.000 DN, trong đó 97% DN nhỏ và vừa. Trong tổng số các DN có trên 45.000 DN đang sử dụng các nền tảng số và hơn 13.000 DN với gần 56.000 lao động cung cấp, kinh doanh điện, điện tử, công nghệ thông tin và công nghệ số đang hoạt động.

TIỂU MY
Nguồn trích: https://www.baobinhduong.vn

CÁC TIN KHÁC