“Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi.
Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh,
Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em.”
Lời bài hát đã đi vào tim mỗi người dân Việt Nam. Và chúng ta luôn tự hào Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam. Nhưng như chúng ta đã biết, tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là tranh chấp dài nhất, phức tạp nhất, trên vùng biển rộng lớn nhất và liên quan đến nhiều bên nhất trong lịch sử các tranh chấp thế giới. Vấn đề lại nóng lên vào ngày 01 tháng 5 năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại biển Đông, cho thấy việc làm không đúng của Trung Quốc.
|
Trong thời gian đó, đi đâu, làm gì mọi người cũng đề cập đến vấn đề tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là vụ việc giàn khoan Hải Dương 981. Để hiểu rõ hơn về quá trình lịch sử cũng như những cơ sở pháp lý, đặc biệt là hệ thống 93 tấm bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Tất cả những cứ liệu đó chỉ có trong cuốn sách “Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa” của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu.
Tác giả Nguyễn Đình Đầu ( năm nay đã 94 tuổi) là một nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực địa lý học - lịch sử Việt Nam. Qua hơn 50 năm nghiên cứu, ông đã sưu tầm hơn 3.000 tấm bản đồ Việt Nam của nhiều tác giả trong và ngoài nước. Mấy năm gần đây, vấn đề biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa trở thành thời sự nóng bỏng, ông đã góp phần triển lãm các tấm bản đồ cổ về biển đảo thuộc chủ quyền đích thực Việt Nam, đặc biệt là cuốn sách viết “Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa”.
Đây là cuốn sách được tập hợp từ hơn 50 năm nghiên cứu của ông, được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP. HCM ấn hành vào tháng 5 năm 2014. Và đặc biệt, cuốn sách quý này đã đạt giải Sách Hay năm 2014 ở hạng mục “Phát hiện mới” do Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (gọi tắt là “Viện IRED”) tổ chức vào ngày 11/9/2014.
Với 8 chương trình bày nội dung liên quan đến lãnh thổ Việt Nam từ đất liền ra biển Đông qua các thời kỳ, từ thế kỉ XV đến nay. Cuốn sách đã tập trung phân tích lịch sử, giới thiệu các bản đồ cổ gắn liền với từng thời đại, giới thiệu đến công chúng các tư liệu, hải đồ của các nhà địa lý, sử học của Việt Nam và các nước phương Tây, đặc biệt của các tác giả Trung Quốc. Cụ thể như sau:
Chương 1: Lịch sử Nam tiến và biển Đông: Ở chương này, tác giả trình bày tóm tắt lại lịch sử Việt nam từ thời đại thượng cổ tên nước ta là Giao Chỉ, đến năm 938 ước ta thực sự độc lập tự chủ; sau đó năm 1069 Lý Thánh Tông thân chinh trừng phạt Chiêm Thành, mở đầu cuộc Nam tiến; Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi và đặt quan chức cai trị trên khắp vùng lãnh thổ và cho thủy quân tái lập chủ quyền trên các hải đảo, đặc biệt là Hoàng Sa - Trường Sa…Cuối chương 1, tác giả mượn 2 câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình” để nhận định về sự nghiệp phát triển xây dựng và bảo vệ biển đảo của nước ta.
Chương 2: Biển Đông & Hoàng Sa - Trường Sa thời Hậu Lê, Chúa Nguyễn và Tây Sơn: Đến với chương này, quý vị sẽ biết đến khá nhiều tấm bản đổ cổ với những chú thích và phân tích rõ ràng, khoa học. Đặc biệt là việc phân tích đối chiếu 2 tấm bản đồ Hồng Đức 1490 và bản đồ Alexandre de Rhodes 1650( bản đồ Đắc Lộ) giống nhau về cơ bản địa lý tự nhiên và địa lý chính trị. Ngoài ra, quý vị sẽ ấn tượng và bị thu hút bởi những tấm bản đồ cổ của các nhà hàng hải, các nhà tu hành Tây phương cũng như Trung Hoa. Qua thể hiện trên bản đồ của họ, quý vị sẽ thấy họ rất khách quan, thấy sao vẽ vậy: các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa đều thuộc chủ quyền của Việt Nam từ xa xưa.
Chương 3, 4, 5 và 6 sẽ củng cố và cung cấp thêm cho quý vị về tình hỉnh lịch sử, nghiên cứu địa lý cũng như những phân tích văn bản cổ, bút ký, họa đồ, hải đồ của Việt Nam về Biển Đông & Hoàng Sa - Trường Sa dưới triều Nguyễn, thời Pháp thuộc, từ 1945 – 1975, và từ 1975 đến nay.
Đặc biệt, chương 7 là chương quan trọng nhất vì đưa ra hàng loạt bản đồ cổ qua các giai đoạn, khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Với 367 trang, khổ 22.5x 30.5cm, cuốn sách “Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa” lần đầu tiên hệ thống hóa các bản đồ qua các thời kỳ, và trong quá trình hệ thống, tác giả đã chỉ ra sự liên hệ giữa những bản đồ với nhau, dùng đó làm chứng cứ để khẳng định chủ quyền lãnh thổ.
Trở lại với tình hình Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại biển Đông. Mặc dù ngày 15/7/2014, Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam vì bất cứ lý do gì. Nhưng tình hình tranh chấp trên Biển Đông & Hoàng Sa - Trường Sa vẫn còn đó.
Để giữ vững lòng tin, từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ quyền biển đảo của Việt Nam đến các tầng lớp nhân dân, mỗi người chúng ta cần phải có nền tảng kiến thức vững vàng. Và không đâu xa, quý vị hãy đến và tìm hiểu cuốn sách “Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa”. Cuốn sách là một hệ thống tư liệu khoa học, khách quan và quan trọng giúp cho các nhà khoa học, các nhà quản lý và mỗi người đọc hiểu một cách chính xác các vấn đề liên quan.
Với 367 trang có 205 hình, trong đó có 93 hình tấm bản đồ cổ qua các thời kỳ của Việt Nam và nước ngoài về Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa, tư liệu này là các chứng cứ khoa học hữu ích trong quá trình xử lý tranh chấp theo công pháp quốc tế.
Là một người Việt Nam yêu nước, quý vị hãy tìm đọc “Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa” để tìm hiểu, nghiên cứu và góp một phần công sức của mình trong việc tuyên truyền giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, góp phần gìn giữ hòa bình hợp tác hữu nghị và phát triển giữa các quốc gia vùng biển Đông. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tình cảm của mình đối với cán bộ chiến sĩ, các lực lượng đang ngày đêm làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
Đỗ Phượng Linh