Liên kết website :











[ Đăng ngày: 12/05/2023 ]
 

TTĐT - Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 06) ra đời với kỳ vọng tạo ra những thành tựu, bước tiến mới trên hành trình hội nhập kỷ nguyên số. Đối với Bình Dương, sau một năm triển khai, Đề án 06 đã mang lại nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian, ngân sách Nhà nước, góp phần từng bước thiết lập một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Những giá trị tiện ích từ Đề án 06
Trước đây khi chưa áp dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp thay thế thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) trong khám, chữa bệnh (KCB), quy trình KCB tại các cơ sở y tế tốn rất nhiều thời gian, người dân phải xuất trình nhiều giấy tờ, chờ đợi khá lâu để nhân viên y tế xác minh và nhập thông tin. Hiện nay, người dân chỉ cần mang theo CCCD mà không cần phải đem thẻ BHYT giấy đi cùng khi đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh. Chị Nguyễn Thị Hải (phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) cho biết: "Bản thân tôi thấy mô hình này rất tiện lợi, tôi không phải mang theo nhiều giấy tờ như trước, thủ tục đăng ký KCB nhanh gọn, không phải tốn nhiều thời gian chờ đợi".

Việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp thay thế thẻ BHYT trong KCB là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính đối với ngành Y tế, điều này minh chứng cụ thể cho những tiện ích mà Đề án 06 mang lại. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 1.639.481 thẻ BHYT đã được tích hợp, xác thực với CCCD; 177/177 cơ sở KCB BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp với 609.096/741.396 lượt tra cứu thành công phục vụ khám, chữa bệnh BHYT, đạt tỷ lệ 82,16%, nằm trong TOP đầu cả nước về áp dụng CCCD gắn chíp thay thế Thẻ BHYT trong KCB…
 
 Mô hình điểm khám, chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD gắn chip thay thế thẻ BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Đối với ngành Tư pháp, thực hiện kế hoạch nhập dữ liệu hộ tịch trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngành đã phối hợp số hóa 930.322 hồ sơ hộ tịch, đạt tỷ lệ 100%, vượt tiến độ đề ra trước 18 ngày, giảm chi phí thuê máy, tiết kiệm được hơn 45% ngân sách Nhà nước. Dữ liệu "đúng, đủ, sạch" tạo lập được "bộ gốc rễ" chắc chắn để đẩy mạnh dịch vụ công (DVC) trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Các dữ liệu hộ tịch được đưa vào Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch để xây dựng, tạo lập dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, việc khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa hộ tịch sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ phải nộp và thời gian giải quyết hồ sơ, giảm việc đi lại cho người dân.

Triển khai đợt cao điểm thực hiện xác thực cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội, chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã hoàn thành việc xác thực thông tin cho 36.793 đối tượng hưởng chính sách; trong đó có 25.460 người đủ điều kiện mở tài khoản và 24.344 người đã được cấp thẻ ATM; đạt tỷ lệ 71%. Với tỷ lệ này, Bình Dương trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.
 
 
 Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi thăm hỏi, động viên người dân đến làm
CCCD tại Công an phường Phú Cường 

Việc chính thức "khai tử" sổ tạm trú, sổ hộ khẩu trong tất cả các dịch vụ thủ tục hành chính từ ngày 01/01/2023 đánh dấu thêm một cột mốc quan trọng trong công tác quản lý hành chính của Bình Dương cũng như các tỉnh, thành cả nước. Theo đó, việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) chuyển từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin; cụ thể là quản lý cư trú bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú của mỗi công dân đều là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ quan, tổ chức và công dân có thể khai thác, sử dụng để phục vụ giao dịch dân sự, giải quyết các thủ tục hành chính…
 
 Lực lượng chức năng tích hợp thẻ BHYT và các loại giấy tờ vào thẻ CCCD

Sau 01 năm triển khai, Đề án 06 đã tạo bước đột phá, thay đổi căn bản trên nhiều lĩnh vực, Bình Dương trở thành điểm sáng về chuyển đổi số với nhiều chỉ số vượt trội, đứng trong TOP đầu cả nước. Toàn tỉnh đã triển khai 1.290/1.290 DVC trực tuyến, đạt 100%; 139.525 tài khoản được tạo trên Cổng DVC Quốc gia, Cổng DVC tỉnh với 587.155 hồ sơ nộp trực tuyến.  Về chỉ số giải quyết đúng hạn trên Cổng DVC, Bình Dương đạt 18,8/20 điểm. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, Bình Dương có điểm trung bình đạt 17/18 điểm. Năm 2022, Chỉ số đánh giá DVC trực tuyến của Bình Dương chỉ đạt 3,8/12 điểm, tuy nhiên 3 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã có sự bứt phá vươn lên với 7,2/12 điểm.

Bình Dương xếp thứ 3 toàn quốc ở cả hai lĩnh vực về cấp CCCD và số lượng tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) kích hoạt thành công. Theo đó, toàn tỉnh đã cấp 1.919.976/1.972.053 CCCD, đạt 97,36%. Đồng thời thu nhận 607.725/1.005.735 hồ sơ ĐDĐT mức 2, đạt 60,43%. Theo thống kê của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, tính đến ngày 16/3/2023 tổng số hồ sơ ĐDĐT được phê duyệt là 556.290 hồ sơ; 172.986/1.005.735 tài khoản đã kích hoạt, đạt 17,2%.

Xây dựng dữ liệu số, hoàn thiện hạ tầng CĐS
Theo đánh giá của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, bên cạnh những kết quả tích cực bước đầu với nhiều giá trị tiện ích mang lại, việc triển khai Đề án 06 vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc. Ở một số nơi, việc bố trí máy tính, đường truyền, tạo các điểm truy cập miễn phí còn thiếu. Công tác chuẩn bị các điều kiện về nguồn nhân lực, kinh phí còn chậm chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhất là nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin.

Các dịch vụ trên môi trường điện tử đòi hỏi công dân phải đăng ký tài khoản và có thiết bị truy cập mạng như: Điện thoại thông minh, máy tính... và kỹ năng sử dụng các ứng dụng, phần mềm có liên quan. Nhiều trường hợp do không có thiết bị và kỹ năng sử dụng phần mềm còn hạn chế dẫn đến việc ngại tiếp cận, sử dụng dịch vụ. Tính năng của ứng dụng định danh điện tử VNeID hiện tại đã được triển khai rộng rãi để người dân sử dụng; tuy nhiên ứng dụng chưa có nhiều tiện ích, thông tin giấy phép lái xe, đăng ký xe… chậm hiển thị, kéo dài thời gian chuyển vùng hồ sơ đến phần mềm tiếp nhận, dẫn đến giải quyết và trả kết quả cho công dân không đảm bảo thời gian theo quy định. 
 
 
 Tổ công nghệ số cộng đồng phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một hướng dẫn
 người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoạt động không ổn định, nhiều chức năng phần mềm chưa hoàn thiện, thường xuyên cập nhật, nâng cấp... do đó còn nhiều trường hợp thông tin công dân chưa được cập nhật kịp thời trên hệ thống; vẫn còn tình trạng thông tin công dân không thống nhất trong các loại giấy tờ…

Có thể thấy, Đề án 06 vẫn còn những "lực cản", "nút thắt" mà Bình Dương cần phải tháo gỡ trong năm 2023. Trong đó nổi cộm lên 3 vấn đề về xây dựng củng cố nguồn nhân lực chuyển đổi số đáp ứng cả về chất và lượng; xây dựng được nguồn dữ liệu số; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số.

Theo Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an: "Số hóa phải có dữ liệu, có kho lưu trữ để phục vụ cho việc khai thác sử dụng. Được biết Bình Dương đang bắt đầu triển khai kho dữ liệu, đã kết nối dữ liệu kết quả triển khai Đề án vào Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh (IOC) trên nền tảng bản đồ số, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Từ thành công của mô hình nhập dữ liệu hộ tịch, Bình Dương hoàn toàn có thể thực hiện thành công số hóa các dữ liệu khác như: dữ liệu ban ngành, đoàn thể, đảng viên, công chức, viên chức… Mục tiêu xa hơn là hoàn thành dữ liệu tổng thể cho toàn tỉnh".  
 
 
 Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh Bình Dương phục vụ hiệu quả công
tác chỉ đạo điều hành của tỉnh. Ảnh: Đoàn lãnh đạo tỉnh nghe lãnh đạo IOC
Bình Dương  báo cáo hoạt động giám sát, điều hành của tỉnh

Bên cạnh nhiệm vụ tập trung khắc phục những tồn đọng, vướng mắc; Tổ Công tác Đề án 06 tiếp tục đặt ra nhiều mục tiêu, kỳ vọng cao hơn, xa hơn trong thời gian tới. Trên nền tảng những kết quả đã đạt được, năm 2023, tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, làm giàu dữ liệu dân cư. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Đề án 06 đến đông đảo nhân dân trên địa bàn tỉnh nắm, chủ động tham gia thực hiện. Theo đó, triển khai các Tổ chuyển đổi số cộng đồng, tình nguyện tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản ĐDĐT mức 2. Chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu. Duy trì và thực hiện có hiệu quả các nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp DVC trực tuyến, triển khai thực hiện hiệu quả các DVC trực tuyến nhất là 25 DVC thiết yếu đã được xác định trong Đề án 06 và 24 DVC trực tuyến.

Bình Dương được Chính phủ chọn là địa phương thí điểm tích hợp bằng lái xe trên tài khoản ĐDĐT qua ứng dụng "VNeID", hiện Tổ công tác Đề án 06 tỉnh đang tích cực phối hợp với Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ xây dựng nội dung, hướng dẫn và triển khai kế hoạch thí điểm tích hợp bằng lái xe trên tài khoản ĐDĐT ứng dụng "VNeID" trong thời gian tới.

Đẩy mạnh việc ứng dụng thẻ CCCD trong khám, chữa bệnh thay thế BHYT giấy; thúc đẩy toàn diện tất cả các phương thức thanh toán số, nhất là trong thanh toán viện phí, học phí, thực hiện chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng thụ hưởng bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Triển khai sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ ATM tại chi nhánh các ngân hàng đóng trên địa bàn, các tiện ích khác được tích hợp trên ứng dụng VNeID khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ Công an. Đẩy mạnh thu nhận hồ sơ ĐDĐT cho công dân trên địa bàn tỉnh với mục tiêu hoàn thành kích hoạt hơn 1,2 triệu tài khoản ĐDĐT mức 2 trước ngày 20/6/2023…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết một năm thực hiện Đề án 06, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đề nghị Tổ công tác Đề án 06 cùng các ngành, các cấp tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức cho cả hệ thống chính trị và nhân dân về tầm quan trọng của Đề án 06; nêu cao tinh thần của người đứng đầu trong công tác chuyển đổi số. Hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng chuyển đổi số; xây dựng, đổi mới bộ máy chính quyền theo hướng hiện đại, hoạt động hiệu quả để phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai cấp tài khoản ĐDĐT; phấn đấu đến ngày 01/6/2023 không nhận hồ sơ giấy trong giải quyết thủ tục hành chính; thu thập và nhập dữ liệu trên hệ thống Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) tỉnh; giải quyết tình trạng thiếu trang thiết bị cho cơ sở; nâng cấp đường truyền; nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ chuyển đổi cộng đồng của khu dân cư…

Yến Nhi
Nguồn trích: https://www.binhduong.gov.vn/

CÁC TIN KHÁC