Liên kết website :











[ Đăng ngày: 25/04/2014 ]

Chúng ta hiểu rằng, truyền thống văn hoá, tri thức của các dân tộc trên thế giới đã, đang được lưu truyền trong các thư viện, cơ quan lưu trữ và bảo tàng - đó là linh hồn của các dân tộc. Chúng ta đang cần nó và mỗi người trong chúng ta có cách tiếp cận các tư liệu, hiện vật đó theo nhu cầu khác nhau của mình, có người thì tiếp cận thông tin về một sự vật hay một hiện tượng, một khái niệm hay một ý niệm, người khác thì tiếp cận theo một cốt truyện hay một sự kiện, một vần thơ hay một lời ca,... và điều hiển nhiên là để chúng ta trải nghiệm nó trong hiện tại và cho tương lai. Tất cả những mong muốn trên chỉ có thể thực hiện thành công ngoài việc chúng ta quan tâm đến thu thập, phổ biến, bảo quản, bảo tồn nghiêm ngặt tài liệu, hiện vật; và cần thiết phải có một môi trường, không gian học tập – giải trí phù hợp, thân thiện để mọi người đều muốn đến.

Như chúng ta đều biết, thư viện được hình thành từ bốn yếu tố: trụ sở, vốn tài liệu, người sử dụng và người làm công tác thư viện. Nói tới không gian thư viện là nói tới việc tạo lập, bố trí sắp xếp không gian thích hợp cho bốn yếu tố trên. Bất kỳ thay đổi nào của bốn yếu tố này đều ảnh hưởng tới sự thay đổi của không gian thư viện.

Lịch sử ra đời của các thư viện thế giới đã trải qua hàng ngàn năm - từ một trong những thư viện đầu tiên - Thư viện Alexandria - ra đời thế kỷ III trước Công nguyên cho đến các thư viện ngày nay. Trong mỗi thời kỳ lịch sử, các yếu tố cấu thành nên thư viện đều có nhiều đổi thay, đặc biệt những năm gần đây khi thư viện ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

Trước đây, khi nói tới trụ sở thư viện, thường người ta nghĩ tới một hoặc vài toà nhà với các trang thiết bị chuyên dùng trong một khuôn viên nhất định có giới hạn về mặt không gian. Điều đó là đúng và luôn luôn đúng, nhưng từ nửa sau thế kỷ XX, một loại hình thư viện mới - thư viện số (digital library) - đã xuất hiện và còn được gọi một cách hình tượng là thư viện không nóc (library without roof) hoặc thư viện không tường (library without walls). Điều này có nghĩa là không gian hạn chế của thư viện đã bị phá vỡ, người sử dụng thư viện không nhất thiết phải đến trụ sở thư viện như trước đây mà có thể sử dụng thư viện tại nhà, tại nơi làm việc hoặc bất kỳ chỗ nào khác có kết nối mạng. Và như vậy, trụ sở thư viện không còn chỉ đơn thuần là các toà nhà trong một khuôn viên mà còn bao gồm cả “trụ sở ảo” trên mạng. Phương thức hoạt động thay đổi kéo theo trang thiết bị thay đổi và không gian cho chúng cũng thay đổi. Đơn cử như trước đây, khi tổ chức phục vụ đóng, các toà nhà thư viện được chia thành khu vực kho và khu vực phục vụ riêng biệt. Để tiết kiệm thời gian và giảm nhẹ sức lao động, các hệ thống chuyển tài liệu như băng chuyền, telelip, ống chuyển phiếu yêu cầu đã được lắp đặt. Nhưng khi chuyển sang phục vụ mở thì các thiết bị trên tự mất công năng sử dụng. Trước đây, khi thiết kế thư viện thường chỉ tập trung vào công năng sử dụng và đảm bảo an ninh, an toàn; thời gian gần đây vấn đề môi trường được chú trọng nhiều hơn. Cũng như các lĩnh vực khác, trong lĩnh vực thư viện đã xuất hiện khái niệm “thư viện xanh” (green library) với ý nghĩa là thư viện được thiết kế và xây dựng sao cho giảm tối đa tác động tiêu cực tới môi trường và tăng tối đa chất lượng môi trường bên trong bằng cách lựa chọn địa điểm thích hợp, sử dụng vật liệu kiến trúc tự nhiên và sản phẩm sinh học, bảo tồn các nguồn tài nguyên và xử lý chất thải.

Trong buổi bình minh của thư viện thế giới, tài liệu - tri thức của loài người được khắc, ghi trên một số chất liệu - đó là các khối đá, đất sét. Sau đó là các tấm da, thanh tre, lá... Giấy được phát minh vào thế kỷ II trước công nguyên đã dần dần thay thế các chất liệu trên để tạo ra tài liệu. Đặc biệt, khi máy in được phát minh vào thế kỷ XV thì tài liệu giấy đã chiếm địa vị độc tôn và tồn tại nhiều thế kỷ cho đến ngày nay. Vào nửa cuối thế kỷ XX, với sự phát triển của công nghệ thông tin, một dạng tài liệu mới - tài liệu số - đã xuất hiện. Với tính năng nhỏ gọn và có thể tổ chức tra cứu nhanh, chính xác và đầy đủ, đã có lúc, có người cho rằng tài liệu số sẽ thay thế tài liệu giấy. Nhưng thực tế đã không xảy ra như vậy, ít nhất cho đến hôm nay. Mặc dù tài liệu số được bổ sung ngày càng nhiều trong các thư viện nhưng tài liệu giấy vẫn là loại tài liệu chủ yếu với những ưu thế mà tài liệu số chưa thể thay thế được. Và như vậy, vốn tài liệu thư viện hiện nay và trong thời gian tới sẽ là vốn tài liệu lai.

Những thập niên cuối của thế kỷ trước, người đến thư viện chủ yếu là để đọc (nên được gọi là người đọc - reader), ngày nay họ đến không chỉ để đọc mà còn để sử dụng các tiện ích và dịch vụ khác (nên được gọi là người sử dụng - user). Hơn nữa, còn có những người đến thư viện không phải để đọc hoặc sử dụng tiện ích hay dịch vụ mà chỉ đơn giản là tham quan và thư giãn giải trí (nên được gọi là khách thăm - visitor). Nhiều thư viện trên thế giới còn là điểm dừng của các tour du lịch. Người sử dụng hiện nay đã khác xa trước đây, họ được giáo dục tốt hơn, đời sống vật chất đầy đủ hơn, năng động và có trách nhiệm hơn. Cùng với sự phát triển gia tăng của các bộ sưu tập số và các dịch vụ trên mạng đã giúp người sử dụng thư viện không cần phải đến trụ sở thư viện mà vẫn có thể tìm kiếm được các thông tin tiện ích cho mình. Với những đặc điểm trên, chắc chắn không gian thư viện thân thiên, hiện đại sẽ phải thay đổi, nhiều khu vực mới được thiết kế để phục vụ, trong đó có khu vực thư giãn giải trí.

Gần đây, tác nghiệp của người làm công tác thư viện đã có nhiều thay đổi. Các lĩnh vực truyền thống đã mang diện mạo mới, ví dụ, người biên mục trước đây tạo ra phiếu mục lục thì ngày nay họ tạo ra biểu ghi; công việc đó gắn liền với máy tính, do vậy, không gian, trang thiết bị dành cho họ cũng phải thay đổi. Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong thư viện cũng tạo ra các ngành nghề mới cho người làm công tác thư viện như: chuyên viên tư liệu, giám đốc thông tin, môi giới thông tin, kỹ thuật viên dịch vụ đa phương tiện... Những điều trên không chỉ tác động tới cơ cấu tổ chức của thư viện mà còn tới bố trí không gian tác nghiệp cho người làm công tác thư viện.

Hiện nay, ngành thư viện Việt Nam đã được nhà nước quan tâm và đầu tư tương đối lớn về cơ sở vật chất. Nhiều thư viện, bao gồm cả thư viện chuyên ngành, thư viện đại học, thư viện công cộng và thư viện trường học được xây dựng trụ sở mới. Phương thức xây dựng cũng khác nhau, một số thư viện được tham gia vào tất cả các công đoạn trong quá trình xây dựng, một số được tham gia vào một vài công đoạn, số khác thì được nhận theo kiểu “chìa khoá trao tay”. Tình hình cũng tương tự như vậy đối với các dự án về trang thiết bị, trong đó có cả dự án về ứng dụng công nghệ thông tin. Đó cũng là một vấn đề cần đánh giá trong tổ chức không gian thư viện.

Thư viện Việt Nam đang biến đổi theo hướng phát triển và hội nhập. Trong bước đường đi lên đó, tổ chức không gian thư viện là điều cần phải được đặt đúng vị trí, các nhà lãnh đạo, quản lý cần quan tâm đến những vấn đề cốt lõi để tạo lập một Không gian thư viện thích hợp, như:

- Vấn đề chính sách: Cần có các tiêu chuẩn về thiết kế, xây dựng riêng cho toà nhà và khuôn viên thư viện đáp ứng các yêu cầu của thư viện hiện đại.

- Vấn đề kỹ thuật: Cần xác định rõ cơ cấu tổ chức và dây chuyền công nghệ của thư viện hiện đại trong điều kiện thực tế của Việt Nam từ đó định hình không gian cho các khu vực.

- Vấn đề thực tế: Cần đánh giá các dự án xây dựng và trang thiết bị đã được thực hiện trong thời gian gần đây để làm tham khảo cho các dự án tiếp sau; tổ chức nghiên cứu kinh nghiệm của các thư viện nước ngoài trong giải quyết vấn đề này.

Thư viện Quốc gia Việt Nam đã, đang cải thiện môi trường là nơi “lưu truyền tri thức và khơi nguồn cảm hứng” - Lưu giữ tri thức cho các thế hệ mai sau, truyền bá tri thức trong cộng đồng, khơi nguồn cảm hứng cho người đọc để sáng tạo các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, các giá trị của đời sống và xã hội. Tất cả những mong muốn trên chỉ có thể thực hiện thành công nếu có một không gian thư viện phù hợp.                                                           

Tài liệu tham khảo:

1. ISO/TR 11219:2012 (E). Information and documentation – qualitative conditions and basic statistics for library buildings - Space, function and design/ ISO. – Switzerland : ISO, 2012. -141 p.

2. http://www.ifla.org.

_________________

Phan Thị Kim Dung
Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam

Theo nlv.gov.vn

CÁC TIN KHÁC