Liên kết website :











[ Đăng ngày: 12/06/2024 ]
(BDO) Nhận thấy mối nguy từ những cuộc gọi lừa đảo trong thời đại ứng dụng công nghệ cao, chàng trai này đã dùng trí tuệ nhân tạo để nhận biết giọng nói giả, giúp phát hiện và cảnh báo đến người dùng điện thoại.
Sinh ra tại huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương), Đoàn Thiên Phúc (27 tuổi) đã có niềm đam mê về an ninh mạng từ khi còn học THCS. Hiện tại, anh là nghiên cứu sinh của Trường ĐH Soongsil (Seoul, Hàn Quốc) với nhiều công trình khoa học nổi bật trong lĩnh vực an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo (AI). 
 
 
Thiên Phúc mong muốn bảo vệ người dùng điện thoại trước các đối tượng lừa đảo. Ảnh: NVCC

Đối đầu tội phạm công nghệ cao 
Nhờ tự mày mò học về máy tính, phần mềm và game từ sớm, Thiên Phúc đã đậu vào Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM và sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành an toàn thông tin của trường, nam sinh này đã làm việc cho Tập đoàn Viettel.
“Năm học lớp 8, mình thường dùng các công cụ gian lận để chiến thắng mọi trò chơi điện tử. Sau một thời gian, mình nhận ra điều này là sai và muốn học cách bảo vệ hệ thống máy tính nên quyết định tìm hiểu về an ninh mạng”, Thiên Phúc chia sẻ.
Năm 2019, vì muốn mở rộng khả năng học thuật, Phúc sang Hàn Quốc du học. Trong vòng 4 năm, chàng trai này đã có 4 bài báo nghiên cứu khoa học và 3 bằng sáng chế lĩnh vực công nghệ thông tin. Đặc biệt là phần mềm dùng trí tuệ nhân tạo phát hiện giọng nói giả.
“Vào thời điểm dịch Covid-19 năm 2021, các đối tượng mạo danh qua điện thoại xuất hiện phổ biến hơn, khiến nhiều người bị lừa mất tiền. Do đó, mình đã nghĩ ra ý tưởng này”, Phúc cho hay.
Anh chàng cũng cho biết bằng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính cùng phần mềm trí tuệ nhân tạo, kẻ gian có thể chuyển đổi giọng nói thành bất kỳ ai. Hình thức này rất tinh vi vì nạn nhân không phân biệt được giọng người thật và có tâm lý khủng hoảng trước các thông tin về tai nạn, bắt cóc, vi phạm… của người thân. 
 
 
Chứng nhận về nghiên cứu dùng trí tuệ nhân tạo phát hiện giọng nói giả của Phúc. Ảnh: NVCC

Phúc mô tả: “Nghiên cứu này dựa trên việc phát hiện các dấu hiệu sinh học trong giọng nói, như: tiếng cười, thở, nấc hay khịt mũi. Khi quét âm thanh thu được mà không có các dấu hiệu trên hoặc được thêm thủ công máy móc sẽ là giả. Từ đó, phần mềm cảnh báo cho người dùng và chặn số liên lạc”.
Hiện tại, Phúc đã ra mắt phiên bản dùng thử của phần mềm trên mạng để người dùng có thể tải giọng nói nghi ngờ nhằm kiểm chứng.
Trở về cống hiến cho đất nước
Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn còn các hạn chế cần cải thiện khi đưa vào sử dụng rộng rãi. Trong đó, vấn đề thu thập thông tin là khó khăn nhất.
“Do dữ liệu giọng nói chứa bí mật đời tư nên chỉ khi được các cơ quan chuyên trách cung cấp, mình mới được sử dụng. Và phần mềm chỉ lọc được giọng nói tiếng Anh vì có sẵn dữ liệu của các tình nguyện viên, hy vọng trong tương lai sẽ mở rộng thêm tiếng Việt, Hàn, Trung…”, Phúc chia sẻ.
Ngoài ra, nam sinh này cũng đang cải tiến nghiên cứu thành một ứng dụng trên điện thoại, bởi các cuộc tấn công mạo danh bằng giọng nói AI chủ yếu thông qua cuộc gọi di động hoặc gọi video. Do đó, khi có cuộc gọi đến, phần mềm sẽ lập tức cảnh báo cho người dùng.
Là người làm việc cùng Phúc, anh Nguyễn Vũ Long (33 tuổi), nghiên cứu sinh của Trường ĐH Soongsil, chia sẻ: “Phúc là người nghiêm túc, biết cân bằng chuyện nghiên cứu và cuộc sống. Dù có khi phải làm việc liên tục đến nửa đêm nhưng Phúc vẫn không ngại khó khăn. Vì thế, các công trình khoa học đạt thành công và tiến xa là điều dễ hiểu”.
 
 
Thiên Phúc (trái) trình bày nghiên cứu tại hội nghị ở Hy Lạp. Ảnh: NVCC

Nói về tiềm năng việc làm của lĩnh vực an ninh mạng, nam sinh này bày tỏ: “Cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn, vì ngành này cần nhiều nhân lực cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng… và được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Mức thu nhập dao động khi mới ra trường ở Hàn Quốc từ 60 - 70 triệu đồng/tháng”.
Khi hỏi về định hướng tương lai, Thiên Phúc mong muốn sau khi tốt nghiệp tiến sĩ sẽ về cống hiến cho nước nhà. “Mình muốn góp sức đào tạo thế hệ trẻ phát triển nghiên cứu về công nghệ thông tin để nước nhà phát triển nhanh và mạnh. Do đó, mình dự định sẽ đi dạy đại học tại Việt Nam, đồng thời muốn được gần gũi và chăm sóc gia đình”, anh chia sẻ. 
Chia sẻ kinh nghiệm học tập và nghiên cứu đến người trẻ, chàng trai cho hay: “Các bạn nên có định hướng rõ ràng và yêu thích học lập trình, trí tuệ nhân tạo… Đồng thời tuân thủ các quy tắc về đạo đức do sẽ nắm rất nhiều thông tin mật. Ngoài ra, có thể tham gia nhiều cuộc thi do các trường đại học đào tạo về công nghệ thông tin tổ chức nhằm đầu tư kỹ năng từ sớm, như cuộc thi hacking Capture-the-flag (CTF)”.
Bước cải tiến lớn về mô hình chống tội phạm công nghệ cao
Là thành viên của đội Trí tuệ nhân tạo của Học viện UpSkill (TP.Thủ Đức, TP.HCM), anh Trần Nguyễn Hoàn Nhi, ĐH Fulbright Việt Nam (TP.HCM), cho biết nghiên cứu của Thiên Phúc rất quan trọng khi các video clip giả mạo bằng giọng nói nhân tạo bắt đầu phổ biến trong thời đại mạng xã hội phát triển. 
“Mô hình nghiên cứu của Thiên Phúc tập trung vào các tính năng rõ ràng để huấn luyện hệ thống xây dựng các biện pháp đối phó, đặc biệt là nhận diện được cả sự im lặng, hơi thở và tín hiệu nói chuyện của giọng nói giả. Đây là một bước cải tiến lớn so với các mô hình nghiên cứu trước đó, khi có tính hiệu quả cao và không làm chậm tốc độ xử lý của mô hình”, anh Hoàn Nhi cho hay.
Tuy có tiềm năng to lớn trong cuộc chiến chống tội phạm công nghệ cao, chuyên gia này cũng chỉ ra một nhược điểm của mô hình là thiếu dữ liệu đào tạo có sẵn. “Theo hiểu biết của mình, tôi không nhớ bất kỳ dữ liệu có sẵn nào cũng có các tín hiệu sinh học đó, điều đó có nghĩa là chúng phải được trích xuất thủ công để huấn luyện các bộ phân loại. Nếu dữ liệu được xử lý trước tốt, hiệu suất của các bộ phân loại sẽ tăng lên đáng kể và ngược lại”, anh Hoàn Nhi nói. 

Thượng Hải
Nguồn trích: https://www.baobinhduong.vn
CÁC TIN KHÁC