Liên kết website :











[ Đăng ngày: 09/08/2022 ]

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.

(Lê Bá Dương)


 

    Mỗi lần vô tình đọc được những câu thơ trên, lòng tôi lại run lên những cảm xúc đặc biệt. Thương lắm, đau lắm nhưng cũng tự hào lắm về những tháng ngày lịch sử mà dân tộc ta đã trải qua. Càng tự hào hơn khi cái tên Thạch Hãn mà tác giả nhắc đến là một trong những địa danh nổi tiếng ở vùng đất Quảng Trị - quê hương tôi. Trong những ngày tháng 7 đầy nắng và gió, trong không khí cả nước kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/07/1947-27/07/2022) Quảng Trị lại một lần nữa được nhắc đến với tất cả những gì bi tráng nhất, hào hùng nhất và anh dũng nhất, như là hiện thân đầy đủ của cuộc chiến tranh lịch sử của dân tộc. Nhắc đến Quảng Trị là nhắc đến Thành cổ, sông Thạch Hãn, cầu Hiền Lương, là vĩ tuyến 17 chia cắt 2 đầu đất nước, là cuộc chiến đấu 81 ngày đêm anh dũng của quân dân ta. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nguồn gốc 4 câu thơ trên, cũng như có cái nhìn chân thực hơn về lịch sử, mời bạn đọc đến với tác phẩm “Mưa đỏ” của nhà văn quân đội, đại tá Chu Lai.

    Tác phầm dựa trên một câu chuyện có thật về những liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh tại Thành cổ. Dưới ngòi bút của tác giả Chu Lai, cuộc chiến đấu 81 ngày đêm của quân và dân ta hiện lên chân thực mà sinh động, hào hùng mà bi tráng. Ngay trang sách đầu tiên là dòng đề tặng “Kính tặng hương hồn liệt sĩ Vũ Kiên Cường cùng những đồng đội đã ngã xuống trong 81 ngày đêm giữ Thành cổ”. Liệt sĩ Cường là nhân vật chính của câu chuyện, một chàng trai cao ráo, nét mặt khôi ngô, cương nghị nhưng đôi mắt thoang thoảng nét buồn đa cảm của người Hà Nội. Anh vốn là con trai độc nhất của một cán bộ cao cấp trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lại có anh trai là liệt sĩ, dĩ nhiên anh không phải đi bộ đội. Thế nhưng anh lại tình nguyện tòng quân, mà lại vào Quảng Trị, nơi được mệnh danh là cối xay thịt, là nơi có ý nghĩa quan trọng trong “trận đấu trí đấu lực một mất một  còn mang trọng trách lịch sử”. Anh lên đường với tâm thái thoải mái nhất, bình tĩnh nhất bởi vì chỉ vài ngày sau mẹ anh cũng lên đường sang Pháp để tham dự Hội nghị Paris, mà như anh nói: “Mẹ ở mặt trận ngoại giao, con ở mặt trận súng đạn, con sẽ làm su-pót-tơ cho mẹ nhé! Mẹ hãy cười lên nào, khi người Mỹ đã buộc phải xuống nước chấp nhận ngồi lại bên bàn hòa đàm là kiểu này chiến tranh sắp kết thúc tới nơi rồi!” Với niềm tin như thế, anh và đồng đội của mình – những con người bình thường, giản dị đã vượt qua muôn vàn những khó khăn, nguy hiểm, cái chết luôn luôn cận kề để sống và chiến đấu cho niềm tin chiến thắng. Họ là những chàng trai mới mười tám, đôi mươi, thậm chí có người mới 15 đã phải khai gian tuổi để được nhập ngũ. Họ là học sinh, sinh viên, thợ điện, thậm chí người tiểu đội trưởng là một “nông dân trăm phần dầu, văn hóa lèng phèng” nhưng lại “bộc trực, tình cảm, xuề xòa lại dạn dày trận mạc”. 81 ngày đêm giữ Thành Cổ là 81 ngày họ phải căng mình ra chiến đấu, hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn, đối mặt với kẻ thù khôn ngoan, bài bản và được trang bị vũ khí đến tận răng. Trong bức thư Cường gửi cho mẹ có kể “ Thành Cổ lúc này như một cơ thể đang bị lóc dần từng mảng thịt, từng lóng xương và con người trong đó cũng bị lóc từng mảng tinh thần để trơ ra cãi lõi thật giả không giấu được”. Cuộc chiến đấu ác liệt đến nỗi có những chiến sĩ “hy sinh đến 2 lần!”. Tuy nhiên, giữa những ác liệt của chiến tranh, giữa mùi khét lẹt của thuốc súng và mùi tử thi thì vẫn có những giây phút lắng đọng, là thời gian để Cường suy ngẫm về cuộc chiến, nỗi nhớ mẹ và tình yêu dành cho Hồng - nữ xã đội trưởng phụ trách chuyển thương binh qua sông. Trớ trêu thay, Hồng cũng là người con gái mà Quang – viên chỉ huy đội hắc báo khét tiếng thầm yêu. Tác giả đã rất công bằng khi dành không ít thời gian để tả về Quang – đối thủ chính của Cường và là hiện thân của kẻ thù ở bên kia chiến tuyến. Cường – Hồng – Quang đều chiến đấu cho lý tưởng của mình, nhưng có điểm chung là đều mang trong mình Tình yêu và muốn bảo vệ cho người mình yêu. Phải chăng, đó chính là giá trị vĩnh hằng mà chiến tranh dù cho ác liệt đến đâu cũng không thể nào dập tắt được! Và chúng ta, những người được sống trong hòa bình mà ông cha ta đã dùng máu xương để đổi lại, không được phép quên lịch sử, phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh ấy. Như nhạc sĩ Tân Huyền đã viết:

Cho tôi hôm nay vào Thành cổ

Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ

Cỏ non xanh tơ, cỏ xanh non tơ

Xin chớ vô tình với người hy sinh

Trên mảnh đất quê mình!


Để hiểu thêm về lịch sử dân tộc nói chung và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm giữ Thành cổ nói riêng, xin mời quý bạn đọc hãy đến với Thư viện tỉnh Bình Dương, nơi lưu giữ tri thức!


T.Huyền

CÁC TIN KHÁC