TTĐT - Sáng 27-11, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương, Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với thanh niên năm 2022 với chủ đề "Thanh niên với nghề nghiệp và việc làm thời đại cách mạng công nghiệp 4.0".
Tham dự hội nghị có ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; bàNguyễn Trường Nhật Phượng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và hơn 300 cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu đại diện cho thanh niên trong toàn tỉnh.
Phát huy tối đa nguồn lực hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp
Hội nghị nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022 - 2027; đồng thời phát huy tốt những kết quả trong chương trình phối hợp giai đoạn 2017-2022.
|
Đại biểu tham dự buổi đối thoại
|
Đây cũng là cơ hội để đoàn viên thanh niên bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng từ thực tế cuộc sống để từ đó tỉnh kịp thời đưa ra những chính sách chăm lo cho thanh niên. Giúp thanh niên xác định đúng ước mơ, mục tiêu để khởi nghiệp lập nghiệp hiệu quả trong giai đoạn của cuôc Cách mạng công nghiệp 4.0; nâng cao chất lượng các trường đào tạo nghề, đào tạo lực lượng công nhân lao động có tay nghề tốt nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh.
|
Toàn cảnh hội nghị
|
Tại hội nghị, bà Trần Thị Diễm Trinh – Bí thư Tỉnh Đoàn chia sẻ, thời gian vừa qua, tổ chức Đoàn toàn tỉnh đã huy động và phát huy tối đa nguồn lực tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động tuyên truyền giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước cho thanh niên; tổ chức chăm lo, đồng hành với thanh niên và tổ chức nhiều phong trào để phát huy tinh thần thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị.
Trong giai đoạn 2016-2020, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức 35 cuộc thi về sáng tạo khởi nghiệp với sự tham gia của gần 3.500 thanh niên; có 320 dự án, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên được các cấp bộ Đoàn, Hội hỗ trợ. Các hoạt động hướng nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm được đổi mới hình thức, qua đó đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 10.650 thanh niên, đào tạo nghề cho 15.200 đoàn viên, thanh niên,…
|
Bà Trần Thị Diễm Trinh – Bí thư Tỉnh Đoàn phát biểu tại hội nghị
|
Đồng thời, các hoạt động hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định cho thanh niên địa phương tiếp tục được quan tâm. Riêng trong năm 2022 đã giải ngân vốn hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế là trên 39 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ vốn vay ủy thác đạt 553.226 triệu đồng. Song song đó đã phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng các phương án giới thiệu việc làm thông qua các nền tảng sàn giao dịch việc làm online, thiết kế App Giới thiệu việc làm thanh niên Bình Dương nhằm mục đích cung cấp nhu cầu, lĩnh vực cần tuyển dụng của các doanh nghiệp đến đông đảo đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh…
Đổi mới, sáng tạo, bắt kịp xu thế phát triển
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến, nguyện vọng và đề xuất của đoàn viên thanh niên tập trung vào một số nội dung: Những chính sách, định hướng cho học sinh, sinh viên, người lao động trong việc chọn những ngành, nghề phù hợp với xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0; lao động ở độ tuổi thanh niên cần thay đổi như thế nào để thích ứng với những chuyển biến của thời đại; những chiến lược, kế hoạch đổi mới, sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với tình hình mới; chính sách hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp và biến khởi nghiệp thành tư duy văn hoá, lựa chọn đúng đắn khi sinh viên học xong đại học…
Một trong những nội dung được thanh niên quan tâm hiện nay đó chính là trên địa bàn tỉnh Bình Dương có hơn 1,2 triệu lao động đang làm việc tại hơn 50.000 doanh nghiệp, trong đó đa số là lao động phổ thông đang làm việc tại các nhà máy và các khu công nghiệp. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, các doanh nghiệp đang cắt giảm giờ làm và số lượng công nhân, người lao động. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến một bộ phận thanh niên công nhân và người lao động trong các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh. Do đó, thanh niên mong muốn tỉnh sẽ có những chính sách hỗ trợ cụ thể để hỗ trợ, tạo việc làm cho thanh niên công nhân.
Xoay quanh vấn đề này, ông Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện các giải pháp mang tính đồng bộ để kết nối cung, cầu thông qua nhiều kênh khác nhau cũng như tăng cường kết nối thương mại để tìm kiếm kênh phân phối mới, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, tạo việc làm cho người lao động. Thời gian tới, Sở sẽ tích cực rà soát hỗ trợ người lao động gặp khó khăn và tham mưu các chính sách, biện pháp để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp, giảm thiểu tác hại của việc cắt giảm giờ làm và lao động.
Đối với công tác định hướng, phát triển nghề cho thanh niên, công nhân; sắp tới, Sở sẽ phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch hoàn chỉnh về đào tạo nghề cho thanh niên, công nhân lao động đến năm 2030. Bên cạnh đó, sẽ có những đề án cụ thể để duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống trong bối cảnh công nghiệp 4.0.
|
Ông Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
trao đổi với đoàn viên thanh niên
|
Ông Phạm Văn Tuyên cũng nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh sẽ giảm thu hút đầu tư các ngành nghề thâm dụng lao động và ảnh hưởng đến môi trường; hướng đến phát triển thông minh và bền vững. Do đó, thanh niên cần phải có nhận thức tốt và định vị khả năng của mình để lựa chọn nghề phù hợp; tự rèn luyện, phấn đấu để thích ứng phù hợp với bối cảnh mới và nhu cầu thực tế của xã hội.
Đối với việc đáp ứng năng lực việc làm theo thời đại mới, đại diện thanh niên cũng đề cập, thời gian tới, máy móc sẽ dần thay thế con người trong sản xuất, kinh doanh, dẫn đến nhiều ngành nghề truyền thống sử dụng sức người như dệt may, da giày… không còn phù hợp. Do đó đề xuất tỉnh cần có những chính sách và định hướng cho học sinh, sinh viên, người lao động trong việc chọn những ngành, nghề phù hợp với xu thế mới.
Theo ông Nguyễn Minh Châu – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với cốt lõi là chuyển đổi số sẽ khiến một số ngành nghề bị mất nhưng cũng tạo ra nhiều ngành nghề mới. Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hay công nghiệp văn hóa hiện còn rất nhiều không gian phát triển, do đó sẽ tạo ra nhiều lĩnh vực ngành nghề mới, công việc mới cho thanh niên thay thế cho một số loại hình công việc truyền thống. Qua đó cũng đòi hỏi thanh niên trong thời đại mới cần tích cực học tập, đổi mới, sáng tạo, tiếp thu các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ robot…; từ đó làm chủ công nghệ, thích ứng kịp xu thế phát triển và nắm bắt được cơ hội cho bản thân.
|
Ông Nguyễn Minh Châu – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội nghị
|
Chia sẻ về định hướng khởi nghiệp, lập nghiệp cũng như thị trường nghề nghiệp cho thanh niên trong thời gian tới, Tiến sĩ Lê Như Thạch – Giảng viên Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bcons nhấn mạnh, khởi nghiệp cùng với sự tạo dựng văn hóa ngay từ ban đầu chính là kim chỉ nam, là nền tảng quan trọng mà các startup cần đặc biệt quan tâm trong thời đại số. Trong quá trình khởi nghiệp phải có định hướng rõ ràng cùng với khát khao cháy bỏng để đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Trong thời gian tới, Trung tâm Đào tạo Bcons sẽ tiếp tục đào tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa về phương pháp quản trị doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp; đồng thời, xây dựng một số chuyên đề định hướng khởi nghiệp, khởi nghiệp phải xuất phát từ khát khao, đam mê và bắt nguồn từ ngành nghề mình yêu thích.
|
Bà Trần Thị Diễm Trinh – Bí thư Tỉnh Đoàn tặng hoa và quà lưu niệm
cho Tiến sĩ Lê Như Thạch
|
Kết thúc phiên đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh đề nghị các ngành tiếp thu các ý kiến và tiếp tục hỗ trợ các đề xuất chính đáng của thanh niên. Các địa phương cần tổ chức đối thoại với thanh niên đồng loạt vào Tháng Thanh niên để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của thanh niên; từ đó đưa ra các chính sách phù hợp hỗ trợ thanh niên hội nhập trong thời kỳ mới.
Đồng thời, để tạo môi trường cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu chính đáng,các cấp, các ngành cần cụ thể hoá kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2021 - 2030.
Ngoài ra, ở một số vùng nông thôn của Bình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương cần quan tâm, hỗ trợ, chú trọng đào tạo nghề cho lao động để thanh niên nông thôn có việc làm ổn định, phát triển cuộc sống, hội nhập nhanh chóng với sự phát triển của thời đại.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh phát biểu tại hội nghị
|
Để tạo ra nguồn lực chất lượng cao trong thời đại công nghiệp 4.0, song song với việc nâng cao công tác định hướng nghề nghiệp cho đoàn viên thanh niên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Bình Dương sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp được mở các lớp đào tạo bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho thanh niên công nhân, nhất là việc tiếp cận công nghệ.
Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn đoàn viên thanh niên cần tích cực học tập, rèn luyện; cầu thị trong công việc, kiên định với mục tiêu và phát huy tinh thần xung kích, cống hiến, có ước mơ, hoài bão để phấn đấu đạt nhiều thành tích trong tương lai.
|
Đại biểu thực hiện ký kết chương trình phối hợp công tác
với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022-2027
|
Dịp này, UBND tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp công tác với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022-2027 để làm cơ sở tham mưu tốt cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong quá trình triển khai có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước dành cho thanh niên toàn tỉnh trong thời gian tới.
Đoan Trang
Nguồn trích: binhduong.gov.vn